Trước đây, chị Hòa thường có thói quen đi chợ "theo cảm hứng", thấy gì ngon thì mua mà không có kế hoạch cụ thể. Điều này dẫn đến nhiều bất cập: có tuần mua sắm quá nhiều khiến cuối tuần hết tiền, tủ lạnh đầy ắp thực phẩm nhưng lại không biết chế biến món gì, hoặc mất cân đối giữa các nhóm thực phẩm như mua nhiều thịt trứng mà quên rau xanh.
Chia tiền chợ theo tỷ lệ 60–30–10, giúp mọi người kiểm soát bữa ăn, không lãng phí, không lo thiếu trước hụt sau trong chi tiêu bếp núc (Ảnh minh hoạ)
Nhận thấy sự bất hợp lý trong cách chi tiêu của con gái, mẹ chị Hòa, người có 30 năm kinh nghiệm nội trợ, đã nhẹ nhàng chia sẻ bí quyết: "Tiền chợ nên chia theo tỉ lệ 60 – 30 – 10. Cứ đúng thế mà mua, sẽ chẳng bao giờ thừa món hay thiếu tiền đâu con ạ".
Tin tưởng và áp dụng theo lời mẹ, chị Hòa đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ công thức đơn giản này. Cụ thể, cách phân bổ ngân sách đi chợ được chia như sau:
60% chi cho thực phẩm chính (đạm): Đây được xem là phần quan trọng nhất của bữa ăn, bao gồm các loại thịt (heo, gà, bò), cá, hải sản, trứng và đậu phụ (nếu được coi là món chính). Ví dụ, nếu dự chi 150.000 đồng cho một lần đi chợ, chị Hòa sẽ dành 90.000 đồng cho nhóm này. Mẹ chị cũng dặn chỉ nên mua đủ lượng đạm cho khoảng 3 ngày, tránh mua thừa tích trữ gây lãng phí.
30% chi cho rau củ, canh, món phụ: Với ngân sách 150.000 đồng/lần, khoảng 45.000 đồng sẽ được dùng để mua 2-3 loại rau ăn lá theo mùa, các loại củ quả dễ bảo quản (cà rốt, su su, bí đỏ) và gia vị tươi như cà chua, hành lá, rau thơm. Mẹ chị khuyên nên ưu tiên rau củ theo mùa, vừa tươi ngon, giá cả phải chăng lại ít bị hư hỏng.
(Ảnh minh hoạ)
10% chi cho phụ phẩm và các khoản linh tinh khác ("quỹ mềm"): Khoảng 15.000 đồng/lần được dành cho hành, tỏi, gia vị khô, gói mì dự phòng, bơ, bánh mì ăn sáng hoặc mua thêm trái cây. Nếu không dùng hết, khoản này có thể được giữ lại và cộng dồn cho tuần sau để mua những thứ cần thiết hơn.
Sau một tháng áp dụng công thức 60-30-10, chị Hòa cho biết chi tiêu cho mỗi lần đi chợ đã giảm từ 180.000 – 200.000 đồng xuống còn đúng 150.000 đồng. Với tần suất đi chợ 5 lần/tuần, tổng chi phí hàng tháng vào khoảng 3 triệu đồng. Điều quan trọng là bữa ăn gia đình luôn đủ món, tủ lạnh không còn tình trạng thừa thãi thực phẩm và chị không còn cảm giác hoang mang "không biết mình tiêu gì mà hết tiền". So với trước, chị đã tiết kiệm được từ 500.000 – 700.000 đồng mỗi tháng mà vẫn đảm bảo bữa cơm nhà đủ đầy.
(Ảnh minh hoạ)
Chị Hòa cũng chia sẻ thêm, công thức này không chỉ hiệu quả với chợ truyền thống mà còn được chị áp dụng thành công khi đi siêu thị. Thay vì mua sắm ngẫu hứng, chị chủ động đến các quầy hàng theo tỷ lệ đã định: quầy thịt/cá (60%), quầy rau củ (ưu tiên hàng khuyến mãi theo mùa), và quầy đồ khô/gia vị (sau khi đã kiểm tra tồn kho tại nhà). Nhờ đó, chị tránh được việc mua thừa do "sợ thiếu" hoặc bị "mất kiểm soát" tại các quầy khuyến mãi.
"Mỗi gia đình có mức sống khác nhau, nhưng công thức 60-30-10 có thể tùy biến theo ngân sách riêng, vì bản chất của nó là: 'Mua đúng theo nhóm – kiểm soát theo tỷ lệ – tránh lãng phí từ gốc'", chị Hòa đúc kết. Theo chị, việc đi chợ không nhất thiết phải giỏi mặc cả, mà quan trọng là biết mình cần mua gì và dừng lại ở đâu. Một phép chia đơn giản từ kinh nghiệm của người mẹ đã giúp chị quản lý chi tiêu bếp núc một cách chủ động, nhẹ nhàng và vô cùng hiệu quả.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)