Nếu là người miền Bắc thì không ai còn lạ kiểu thời tiết này nhưng cứ mỗi khi nó đến thì ai cũng ngao ngán. Nhà cửa thì 'đổ mồ hôi' ướt nhẹp, dẫn tới mật vệ sinh và nguy cơ trượt ngã. Quần áo phơi không thể khô dù trời không mưa, khắp nơi là ẩm mốc, nấm mốc sinh sôi rất mất vệ sinh và ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt.
Đáng sợ hơn, trời nồm còn gây ảnh hưởng lớn sức khỏe của con người. Đây là điều kiện thời tiết lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc và côn trùng phát triển. Số lượng ca trẻ nhỏ, người già mắc bệnh đường hô hấp tăng cao...
Vậy làm sao để đối phó với tình trạng này, dưới đây là 4 cách mà bạn có thể áp dụng để khắc phục những tình trạng khó chịu do thời tiết nồm ẩm gây ra. Nếu thấy hữu ích hãy chia sẻ với người thân, bạn bè để mọi người có cuộc sống dễ chịu hơn nhé, nồm ẩm dự báo sẽ chưa kết thúc đâu.
Thứ nhất: Bật điều hoà chế độ dry (có nghĩa là chế độ khô)
Trong các dòng điều hoà hiện nay, nhiều điều hoà hế hệ mới có thể cảm biến và kiểm soát độ ẩm để độ ẩm trong phòng luôn ở mức phù hợp.
Chế độ Dry (khô) trên điều hoà không khí có thể loại bỏ độ ẩm dư thừa và hơi ẩm trong phòng. Tuy nhiên nên giảm độ ẩm đến bao nhiêu thì phù hợp? Theo nhiều nghiên cứu, độ ẩm dưới 60% là độ ẩm tối ưu, giúp da dễ thoát mồ hôi và mang lại cảm giác dễ chịu.
Cụ thể, khi mở chế độ Dry, tốc độ quạt sẽ được thiết lập tự động. Cảm biến độ ẩm trên điều hoà liên tục theo dõi độ ẩm tương đối trong phòng. Nếu độ ẩm cao, điều hoà với cảm biến độ ẩm sẽ được kích hoạt và loại bỏ độ ẩm dư thừa trong không khí để duy trì độ ẩm của phòng dưới 55%. Chu trình này liên tục lặp lại, nhờ đó không gây cảm giác quá lạnh cho người dùng.
Bên cạnh chế độ Dry, bạn có thể bật thêm chức năng lọc không khí độc lập rên điều hòa với mức tiêu thụ điện năng thấp.
Công nghệ nanoe sẽ sử dụng lợi ích của gốc OH để ức chế hiệu quả các chất ô nhiễm trong không khí và bám dính cũng như các loại mùi thường gặp. Nhờ vậy, không khí được lọc sạch và giảm mùi ẩm mốc.
Thứ hai: Sử dụng các đồ dùng có tác dụng hút ẩm
Có thể thử các loại vật liệu hút ẩm như than củi, vôi, giấy báo... đặt ở các khu vực có độ ẩm cao như góc tường, góc nhà hoặc dưới gầm giường, bàn, ghế... Các loại vật liệu này có thể giúp giảm bớt độ ẩm trên các đồ vật và trong không khí.
Nếu không có các vật dụng trên, đơn giản hơn là dùng khăn, giẻ lau để hút ẩm nền nhà là một trong những cách đơn giản khắc phục tình trạng nồm ẩm. Lưu ý, nên chọn loại khăn và giẻ lau có khả năng thấm hút tốt và lau sàn nhà bằng khăn khô, không sử dụng nước nóng để lau sàn.
Thứ ba: Nhớ nguyên tắc luôn đóng kín cửa
Trong tiết trời nồm, sàn nhà ướp nhẹp cộng thêm không khí bí bách khiến nhiều người có xu hướng mở cửa sổ lẫn cửa chính để đón gió nhằm giúp nhà thoáng và nhanh khô hơn. Nhưng thực chất, đây là một sai lầm tai hại. Những cơn gió mang độ ẩm cao thổi vào nhà chỉ khiến nơi ở của bạn thêm ẩm ướt.
Tốt nhất, bạn nên hạn chế mở cửa, đồng thời tìm cách bịt các lỗ hổng trong nhà, hạn chế tối đa sự trao đổi khí ẩm để hạn chế hiện tượng đổ mồ hôi của nền nhà.
Thứ tư: Tận dụng một số loại cây có khả năng hút ẩm
Một số loại thực vật có khả năng hút ẩm tốt, đơn cử cây dương xỉ. Đặt vài chậu cây dương xỉ trong nhà, không chỉ có tác dụng loại bỏ khí CO2, bổ sung oxy mà còn giúp giảm đáng kể độ ẩm trong không khí.
Biện pháp tối ưu trong những ngày trời nồm là chăm lau chùi nhà cửa, sử dụng máy móc để sấy khô vật dụng. Không lau nhà bằng giẻ ướt mà hãy dùng giẻ khô hoặc các loại khăn có độ xốp cao để thấm hết nước, không khí ẩm bên ngoài vào, nền nhà sẽ ướt át khó chịu hơn…
Chú ý: Thời tiết ẩm ướt, độ ẩm không khí cao thường gây ra tình trạng nấm mốc, gỉ sét đối với các chi tiết kim loại, hay gây hỏng hóc các vi mạch, có thể gây ra tình trạng chập điện, cháy nổ với các thiết bị điện tử trong gia đình.
Thời tiết mùa nồm ẩm ướt cũng là cơ hội cho vi khuẩn, nấm mốc, ruồi muỗi, sâu bọ phát triển, gây nguy hại cho nội thất trong nhà.
Bạn nên lưu ý những đặc tính này để có biện pháp giảm ẩm trong không khí phù hợp nhất, tránh để nó gây ra những hậu quả không đáng có vì khâu khắc phục sẽ rất mệt mỏi và tốn kém tiền bạc.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)