"Đông ăn củ cải, hè ăn gừng" là câu nói dân gian quen thuộc. Nhưng nhiều người thắc mắc: Gừng có tính nóng giúp trừ hàn, trong khi củ cải lại có tính hàn. Thông thường, mùa đông cần trừ hàn, mùa hè cần giải nhiệt, vậy tại sao lại khuyên "đông ăn củ cải, hè ăn gừng"?
Thực ra, từ xa xưa, sách y học đã ghi chép: "Tháng năm dương khí tản ra ngoài, trong dạ dày hư hàn, do dương khí trong cơ thể yếu, không đủ chống chọi với lạnh".
Nghĩa là, mùa hè thời tiết nóng bức, dương khí trong cơ thể dễ tán ra ngoài, bên trong cơ thể lại thiếu dương khí, dễ sinh hàn lạnh. Lúc này, mọi người lại thích dùng điều hòa, ăn đồ lạnh, càng dễ khiến hàn khí xâm nhập, làm tổn thương tỳ vị.
Vì vậy, ăn gừng lúc này có thể giúp trừ hàn, làm ấm dạ dày, kháng khuẩn, tiêu viêm, rất có lợi cho sức khỏe.
Như vậy, khi khí hậu thay đổi, thói quen sinh hoạt của con người cũng thay đổi theo, thể chất cũng thay đổi. Mọi thứ đều liên quan mật thiết, nên việc dưỡng sinh cũng phải điều chỉnh theo thời tiết!
Tương tự, câu nói "mùa hè không ngồi gỗ, mùa đông không ngồi đá" ẩn chứa bí quyết dưỡng sinh theo sự biến đổi của thời tiết. Ngoài ra, còn những điều gì cần lưu ý khi dưỡng sinh mùa hè?
1. Không nên ngồi trên gỗ
Người xưa nói: "Mùa hè không ngồi gỗ, mùa đông không ngồi đá".
Vạn vật trong tự nhiên đều tuân theo quy luật "thịnh cực tất suy, suy cực tất thịnh". Khi thời tiết nóng nhất cũng là lúc âm khí bắt đầu sinh sôi. Vì vậy, không nên quá ham mát mẻ mà cần để cơ thể tiết mồ hôi để làm mát.
"Mùa hè không ngồi gỗ" vì mùa hè nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Gỗ, đặc biệt là những đồ dùng bằng gỗ để lâu ngoài trời như ghế, bàn, sau khi bị mưa gió thấm ướt, chứa nhiều nước. Khi bị mặt trời chiếu vào, nhiệt độ tăng cao, chúng sẽ tỏa ra hơi nóng ẩm, dễ khiến con người mắc các bệnh ngoài da, phong thấp và viêm khớp.
2. Không nên ăn nhiều đồ lạnh
Trong mùa hè nóng nực, nếu dạ dày bị kích thích bởi lượng lớn đồ lạnh, nó sẽ co bóp nhanh hơn, rút ngắn thời gian lưu trữ thức ăn trong ruột non, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Đồng thời, do nhiệt độ mùa hè cao, nhiệt lượng trong cơ thể khó tản ra, nhiệt độ trong dạ dày cũng cao. Nếu đột ngột bị kích thích bởi đồ lạnh có thể dẫn đến co thắt dạ dày, gây đau bụng.
3. Không nên làm mát quá nhanh khi cơ thể đang nóng
Mùa hè, nhiều người sau khi đi ngoài nắng về, để nhanh chóng hạ nhiệt, thường thích tắm nước lạnh để "làm mát nhanh". Tuy nhiên, khi cơ thể vừa hấp thụ nhiều nhiệt lượng từ mặt trời, việc "làm mát nhanh" này khiến các lỗ chân lông đóng lại đột ngột, khiến nhiệt không thể thoát ra, gây sốt cao.
Ngoài ra, việc mao mạch não co lại nhanh chóng có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ, gây chóng mặt, thậm chí sốc. Lúc này, sức đề kháng của cơ thể giảm, cảm lạnh dễ xâm nhập.
Do đó, cách tốt nhất là lau khô mồ hôi trước hoặc đợi mồ hôi khô tự nhiên rồi mới tắm.
Tương tự, mùa hè ra nhiều mồ hôi, nếu uống nhiều nước lạnh cùng lúc sẽ làm tăng gánh nặng cho tim, khiến máu loãng hơn, có thể gây hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi. Khi khát, nên uống từng ngụm nhỏ, nghỉ một lát rồi uống tiếp.
4. Không nên ngủ ngoài trời ban đêm
Mùa hè, tuyến mồ hôi tiết ra liên tục để giải phóng nhiệt lượng. Khi ngủ, cơ thể ở trạng thái thư giãn, sức đề kháng tạm thời giảm.
Nếu ban đêm nhiệt độ giảm, gặp gió lạnh và sương đêm, dễ dẫn đến đau đầu, đau bụng, khó chịu khớp, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy. Ngủ ngoài trời còn dễ bị muỗi đốt, có thể lây bệnh như viêm não.
5. Không nên bỏ qua giấc ngủ trưa
Mùa hè ngày dài đêm ngắn, nhiệt độ cao khiến quá trình trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ, tiêu hao nhiều năng lượng, dễ mệt mỏi. Thêm vào đó, ban đêm nóng bức khó ngủ, dẫn đến thiếu ngủ.
Vì vậy, ngủ trưa 1-2 tiếng rất có lợi cho sức khỏe, giúp các cơ quan được nghỉ ngơi và phòng tránh say nắng.
6. Không nên để điều hòa chiếu thẳng vào người
Điều hòa mang lại môi trường thoải mái, nhưng nếu chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời quá lớn, cơ thể khó thích nghi, dễ bị "trúng gió", cảm lạnh.
Ngoài ra, nếu không thông gió, không khí trong phòng dễ bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Khi sức đề kháng giảm, dễ mắc bệnh.
Do đó, mùa hè nên để nhiệt độ điều hòa chênh lệch khoảng 5-8°C so với ngoài trời, tối đa không quá 10°C.
7. Không nên đeo kính râm quá sáng hoặc quá tối
Kính râm giúp bảo vệ mắt khỏi tia UV, nhưng nếu màu kính quá tối sẽ làm giảm tầm nhìn, còn kính quá sáng vẫn cho tia UV xuyên qua, gây hại mắt.
Vì vậy, nên chọn kính râm màu xám hoặc xanh lá, cho phép 15-30% ánh sáng đi qua, vừa chống tia UV, vừa đảm bảo tầm nhìn rõ ràng và ít ảnh hưởng đến màu sắc của vật thể bên ngoài.
Diệu Hạnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)