Tiêu hao điện năng
Mỗi điện thoại đều được đính kèm một củ sạc riêng biệt. Để nạp pin cho điện thoại, củ sạc sẽ hoạt động theo nguyên lý của máy biến áp: biến điện áp cao thành điện áp thấp, đổi dòng từ xoay chiều qua một chiều. Hạ điện áp từ 220V xuống điện áp nạp (tùy từng dòng điện thoại). Sau đó nắn từ dòng điện xoay chiều sang dòng điện một chiều để nạp cho điện thoại.
Về cấu tạo, củ sạc điện thoại gồm 2 bộ phận: sơ cấp nối với dòng điện vào và thứ cấp nối với dòng điện ra. Như vậy cho dù mạch ra có kín hay không (nghĩa là có sạc hay không) thì mạch vào luôn kín nếu được cắm điện.
Chính vì nguyên lý hoạt động như trên nên khi không sạc thì mạch sơ cấp với cấu tạo mạch kín vẫn tiêu thụ điện năng, chỉ là ở mức ít hơn so với khi mạch ra đóng kín (khi sạc).
Tuy mức năng lượng tiêu hao không là bao nhưng nếu nhà của bạn bao gồm rất nhiều thành viên, mà mỗi người luôn gắn từ một đến 2 củ sạc khi không dùng đến. Như vậy nếu nhân những con số nhỏ lẻ với nhau, quy đổi ra tiền điện phải trả trong một năm, bạn nghĩ sẽ là bao nhiêu? Theo tính toán, nếu cắm sạc liên tục, chúng ta sẽ mất khoảng 3 kWh điện mỗi năm. Tuy nhiên, nếu không phải là sạc chính hãng mà loại sạc rẻ tiền thì chúng có thể tiêu thụ nhiều hơn đến 20 lần con số nêu trên. Đó thực sự là một khoản chi phí đáng kể.
Dễ bị rò rỉ điện gây cháy nổ
Với thiết kế đơn giản, độ an toàn thấp của các sạc điện thoại hiện nay thì việc điện giật và lấy đi tính mạng người dùng bất cứ lúc nào là điều dễ hiểu. Cắm củ sạc cả ngày tác hại trước tiên dễ thấy nhất chính là giảm tuổi thọ củ sạc điện thoại.
Cục sạc là thiết bị hạ điện áp từ 220V xuống 5V không sử dụng biến áp mà sử dụng điện trở và tụ điện. Sau đó, điện được đưa trực tiếp từ nguồn điện lưới xuống thông qua mạch điện biến xoay chiều thành một chiều để nạp cho pin điện thoại...
Giả sử nếu trẻ nghịch ngậm vào đầu dây cắm vào điện thoại đầu ra bị chập do nước làm cho mạch điện quá tải bị chập điện, thông mạch đầu ra sẽ là điện lưới 220V. Hoặc đơn giản vào những khi trời nồm như khoảng thời gian này ở miền Bắc, ẩm ướt làm chập đầu ra làm chập mạch điện sẽ xảy ra hỏa hoạn.
Ngoài ra, sẽ rất nguy hiểm nếu điện lưới khu vực nhà bạn không ổn định. Việc cắm sạc cả ngày ở điện lưới không ổn định có thể khiến củ sạc bị nóng, dẫn đến chập, cháy cả hệ thống điện trong nhà mà chúng ta không lường được.
Thông thường sạc chỉ nóng lên khi kết nối với điện thoại. Nhưng nếu điện áp không ổn định, thấp hoặc cao hơn ngưỡng dòng điện cho phép của dòng điện sạc thì chúng có thể gây ra tình trạng cháy nổ bất cứ lúc nào do dòng điện quá tải, rò rỉ… Nhất là đối với những hộ gia đình có trẻ nhỏ, các bé vui đùa bên cục sạc (làm ướt nước ở đầu sạc, ngậm vào chuôi sạc) sẽ dễ dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.
Vì vậy, hãy rút sạc ra khỏi ổ điện khi không sử dụng. Vừa tránh gây lãng phí điện cũng như để đảm bảo các vấn đề an toàn về điện cho gia đình.
Sạc pin như nào mới là đúng cách
1. Có thể sạc pin mọi lúc mọi nơi: Nghe có vẻ không hợp lý nhưng sự thật là đối với các dòng pin mới trên smartphone hiện nay, bạn có thể sạc pin bất cứ lúc nào rảnh, có nguồn điện bên cạnh. Kể cả chỉ có vài phút để sạc thì cũng không sao cả, pin của bạn sẽ không bị tổn hại gì hết.
2. Không được để máy sập nguồn mới sạc pin: Trường hợp này hơi khó đối với sự cố hết pin bất ngờ. Tuy nhiên nếu muốn giữ tuổi thọ máy thì bạn nên sạc điện thoại khi máy báo cần sạc pin, thông thường dưới 20% pin máy sẽ báo.
3. Tắt nguồn máy để sạc nhanh hơn: Muốn sạc nhanh thì nên tắt nguồn máy, vì máy sẽ không trong tình trạng vừa sạc vừa xả nên thời gian sạc sẽ nhanh hơn nhiều. Một cách sạc nhanh khác là bạn có thể để chế độ máy bay (ngắt các kết nối 3G, wifi, mạng điện thoại), điện thoại sẽ không tốn năng lượng cập nhật sóng trong trường hợp này.
4. Sạc đầy 100%, sạc qua đêm không phải là tốt: Nghe có vẻ phi lý nhưng việc sạc đầy 100% không hề tốt cho pin lithium-ion. Nếu cứ để pin đầy như thế trong thời gian lâu dài, đặc biệt những ai hay có thói quen cắm sạc qua đêm, lúc này điện tích trong pin lúc nào cũng cao còn có thể khiến nó như thể "quá sức" và dần dẫn đến tác động không tốt. Mức pin lý tưởng nhất là 65-75%, giúp điện thoại duy trì độ bền, tuổi thọ tốt nhất. Lưu ý khi sạc và canh thời gian mức pin đúng giới hạn nhé.
5. Pin yếu chưa kịp sạc thì nên tắt nguồn: Khi rơi vào trường hợp máy còn dưới 10% pin, nhưng không thể sạc vào lúc đó, thì nên tắt máy, rồi khi sạc sẽ bảo vệ pin tốt hơn. Một số nhà sản xuất còn khuyến khích, khi máy không cần sử dụng trong thời gian dài, như khi ngủ nên tắt nguồn máy. Ngoài ra nên tắt nguồn máy một tuần một lần, sáng dậy bật máy để máy hoạt động trơn tru hơn, ít tốn pin.
6. Không nên vừa sạc vừa nghe điện thoại: Hạn chế vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại, và bảo đảm phải sạc bằng cục sạc, cáp chính hãng theo máy, để tránh nguy cơ cháy nổ đáng tiếc xảy ra.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)