Tháng Chạp là tháng cuối cùng của năm, mang theo không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết đoàn viên bên gia đình. Đây là thời điểm để mọi người cầu mong may mắn, bình an và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, thần linh đã phù hộ trong suốt năm qua.
Rằm tháng Chạp là ngày lễ quan trọng của người dân Việt Nam.
Rằm tháng Chạp cũng được xem là lễ cúng tổng kết cho một năm, nơi con cháu nhìn lại hành trình đã qua và chuẩn bị cho một khởi đầu mới. Chính vì thế, lễ cúng Rằm luôn được chuẩn bị chu đáo, tươm tất, thể hiện tấm lòng của con cháu đối với bề trên.
Sau ngày Rằm tháng Chạp cũng có những việc nên và không nên làm để đón năm mới may mắn.
Những việc nên làm sau Rằm tháng Chạp
1. Nên dọn dẹp nhà cửa
Phong tục "quét bụi" và dọn dẹp nhà cửa không còn xa lạ gì với mỗi người khi Tết cận kề. Việc quét bỏ bụi bặm vào tháng 12 Âm lịch, đặc biệt sau Rằm tháng Chạp có ý nghĩa loại bỏ "xui xẻo" trong suốt một năm cũ.
Theo quan điểm của Phong thủy học, điều này cũng giúp quét sạch tất cả các khí xấu trong nhà như năng lượng tiêu cực hay tà khí. Nhà cửa tinh tươm, sạch sẽ, thơm tho cũng là để hy vọng trong năm tới tài lộc ngày càng hanh thông.
Sau ngày Rằm tháng Chạp, nên dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ "xui xẻo" trong suốt một năm cũ.
2. Nên thanh toán hết nợ nần cũ
Tháng cuối cùng trong năm là lúc mọi người tất bật gói ghém, dọn dẹp để sắp xếp ổn thoả vấn đề tiền bạc, trong đó có việc trả nợ. 15 ngày cuối cùng của năm là lúc nên trả hết nợ cũ, tránh để sang những ngày đầu năm mới sẽ bị "xui".
3. Chuẩn bị lễ vật để cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp
Tháng 12 là tháng để thực hiện các phong tục cổ truyền, chuẩn bị cho sự kiện dón Tết Nguyên đán. Sau Rằm tháng Chạp, những ngày lễ quan trọng cần được thực hiện để đảm bảo sự may mắn cho năm mới.
Ngày lễ ông Công ông Táo là ngày các gia đình thực hiện mâm cơm để tiễn Táo quân về chầu trời, báo cáo cuộc sống của gia đình trong một năm. Đây cũng là nghi thức để cầu cho gia đình một năm an khang, thịnh vượng, gia đạo êm ấm.
Những việc không nên sau Rằm tháng Chạp
1. Không vay tiền
Tết Nguyên đán cận kề, điều nên làm là thanh toán trả các khoản nợ cũ và không nên vay tiền trong khoảng thời gian này. Mặc dù cuộc sống nhiều lo toan, lắm lúc tiền bạc eo hẹp, bắt buộc phải đi mượn tiền người khác.
Tuy nhiên, thời gian giáp Tết "nhạy cảm" khi hỏi vay mượn tiền người khác. Điều này ảnh hưởng đến cả tâm lý người được hỏi vay và thể hiện sự túng thiếu của người đi vay. Cho nên, việc vay tiền người khác vào những ngày cuối năm là điều kiêng kỵ.
Không nên vay mượn tiền sau ngày Rằm tháng Chạp.
2. Không mắng chửi người khác
Sau Rằm tháng Chạp, vị Tết càng rõ rệt và đậm đà. Ai cũng muốn có tâm trạng tốt và vui vẻ để đón chào năm mới cho may mắn. Bởi vậy, việc mắng chửi người khác sẽ mang lại nhiều năng lượng tiêu cực đồng thời khiến "rớt" phúc của bản thân.
Tháng 12 âm lịch, với mong muốn các thành viên trong gia đình, những cặp đôi yêu nhau, các mối quan hệ bạn bè nên giữ thiện chí, hoà thuận, không nên cãi vã vì những chuyện vặt.
3. Không nên chuyển nhà
Mặc dù việc chuyển nhà bây giờ thuận tiện và dễ dàng hơn trước kia nhiều, chỉ cần một cuộc gọi là có thể nhanh chóng thực hiện. Nhưng sau Rằm tháng Chạp, mỗi người đều sẽ rất bận rộn thu xếp công việc để đón Tết Nguyên đán. Việc chuyển nhà, chọn nơi ở rất quan trọng, không thể thực hiện qua loa.
Hơn nữa, tháng 12 âm lịch thường lạnh nhất trong năm, động thổ xây nhà hay chuyển nhà cần những ngày vượng khí sẽ giúp chiêu tài may mắn, chỗ ở mới an lành, làm ăn hanh thông. Bởi vậy, phong thủy học khuyến khích không nên chuyển nhà trong thời gian này.
(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính chiêm nghiệm.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)