Khi bước sang tuổi 60, cuộc sống dần bước sang một giai đoạn mới. Sau nhiều thập kỷ làm việc vất vả, chất lượng cuộc sống khi nghỉ hưu phần lớn phụ thuộc vào tình hình tài chính. Lúc này, số tiền tiết kiệm thường được coi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự giàu có. Vậy sau 60 tuổi, có bao nhiêu tiền tiết kiệm thì bạn mới được xem là người giàu có?
Chuẩn bị tài chính cho chi phí y tế và hưu trí
Sau tuổi 60, sức khỏe dần suy giảm, chi phí chăm sóc y tế cũng tăng lên. Đồng thời, cuộc sống hưu trí cũng đòi hỏi một khoản tiền nhất định để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày và duy trì chất lượng sống. Nhìn chung, để đối phó với các vấn đề sức khỏe và chi phí sinh hoạt, mỗi người cần có một khoản tiền tiết kiệm đủ để trang trải chi phí y tế và hưu trí.
Để có một cuộc sống hưu trí an nhàn, tài chính vững vàng là yếu tố không thể thiếu. Vậy cần bao nhiêu tiền tiết kiệm để có thể gọi là giàu có sau tuổi 60? (Ảnh minh họa)
Lấy ví dụ về chi phí điều trị bệnh mãn tính ở người cao tuổi như cao huyết áp, tiểu đường, mỗi tháng có thể mất vài triệu đồng cho thuốc men và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu chẳng may mắc bệnh nghiêm trọng như ung thư, chi phí điều trị có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, các khoản chi tiêu cơ bản như ăn uống, sinh hoạt, đi lại… ước tính khoảng 5 triệu đồng/tháng, tương đương 60 triệu đồng/năm.
Tính toán một cách thận trọng và dự phòng cho những rủi ro không lường trước, mỗi người cần có ít nhất 500 triệu đồng tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống ổn định khi về già. Với khoản tiền này, bạn có thể đối mặt với các vấn đề sức khỏe và hưu trí một cách chủ động, không bị áp lực tài chính đè nặng, và được xem là người có nền tảng tài chính vững chắc.
Tận hưởng sở thích và cuộc sống nghỉ hưu
Một khảo sát về mức độ hài lòng của người nghỉ hưu cho thấy những người có đủ tài chính để theo đuổi sở thích cá nhân và hoạt động giải trí thường có cuộc sống hạnh phúc hơn. Khi bước vào tuổi nghỉ hưu, nhiều người mong muốn dành thời gian cho sở thích như du lịch, thư pháp, hội họa hoặc tham gia các khóa học dành cho người cao tuổi. Những hoạt động này không chỉ làm phong phú cuộc sống mà còn mang lại sự thỏa mãn về tinh thần.
Lấy du lịch làm ví dụ, một chuyến du lịch dài ngày trong nước có thể tiêu tốn vài chục triệu đồng. Nếu mỗi năm đi du lịch 1 - 2 lần, cộng thêm chi phí mua sắm dụng cụ vẽ tranh, tham gia các lớp học… thì chi phí cho sở thích cá nhân và hoạt động giải trí có thể dao động từ 30 - 50 triệu đồng/năm.
Như vậy, nếu bạn muốn tận hưởng cuộc sống sau khi nghỉ hưu một cách thoải mái và đủ đầy, ngoài khoản tiền tiết kiệm cho y tế và sinh hoạt, bạn cần có thêm khoảng 300 - 500 triệu đồng để dành cho sở thích cá nhân và giải trí. Khi số tiền tiết kiệm của bạn đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, bạn có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn cả về vật chất lẫn tinh thần và được xem là người giàu có.
Dành một phần tài sản cho con cháu
Người lớn tuổi luôn mong muốn để lại một phần tài sản cho con cháu, giúp thế hệ sau có cuộc sống tốt hơn. Trong thực tế, nhiều người cao tuổi cũng có kế hoạch hỗ trợ con cái trả nợ mua nhà hoặc giúp đỡ tài chính cho việc học hành của cháu. Mặc dù điều này không phải là tiêu chí chính để đánh giá sự giàu có, nhưng nếu có khả năng hỗ trợ tài chính cho con cháu, người lớn tuổi cũng cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện hơn.
Nếu muốn giúp con cái trả một phần khoản vay mua nhà, bạn có thể cần khoảng 100 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, nếu muốn dành một khoản tiền cho giáo dục của cháu, số tiền có thể dao động từ 100 - 200 triệu đồng. Như vậy, nếu bạn có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu trên, bao gồm sinh hoạt, y tế, giải trí và hỗ trợ con cháu, thì số tiền tiết kiệm cần thiết rơi vào khoảng 1 - 1,3 tỷ đồng.
Với số tiền này, bạn không chỉ có một cuộc sống nghỉ hưu đầy đủ và không lo lắng về tài chính, mà còn có khả năng hỗ trợ gia đình. Trong mắt nhiều người, đây chính là biểu tượng của sự giàu có khi về già.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)