Mặc dù các chuyên gia về tài chính đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc tự tiết kiệm cho tuổi hưu không thể thay thế hoàn toàn được việc tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng vẫn có người quyết tâm làm theo cách của mình, tin rằng giữ tiền trong tay mình là an toàn nhất. Vậy liệu số tiền tiết kiệm cần có để đảm bảo cuộc sống khi về hưu là bao nhiêu?
Ví dụ, có người trong thời gian làm việc, mỗi tháng lương nhận được là 17 triệu đồng, nhưng sau khi trừ đi các khoản vay mua ô tô, mua nhà và tiêu dùng trả góp, họ chỉ còn lại vài triệu đồng tí ỏi. Họ cho rằng khi về hưu thì số tiền nợ đã được trả hết, nhu cầu tiêu dùng ở tuổi già giảm nên sẽ không gặp vấn đề gì lớn.
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi chi phí sinh hoạt hàng tháng của một số người sau khi nghỉ hưu có thể lên tới 7 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí cao hơn. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Làm thế nào để có thể tự mình đảm bảo một cuộc sống độc lập khi về hưu?
Nếu tính theo mức tiêu dùng 100 triệu đồng mỗi năm và giả sử một người sống đến 90 tuổi kể từ khi nghỉ hưu ở tuổi 50, họ sẽ cần khoảng 4 tỷ đồng cho 40 năm hưu trí. Đây là một con số đáng kinh ngạc và quá sức với đa số mọi người.
Thực tế cho thấy, đối với nhiều gia đình, việc tiết kiệm được 2 tỷ đồng đã là một thách thức. Nhiều người dành cả đời làm việc không chỉ để tích lũy tiền bạc mà còn phải đối mặt với các nhu cầu khác như hỗ trợ con cái mua nhà, xe khi chúng lập gia đình. Vì vậy, việc tự mình tích lũy một khoản tiền lớn cho tuổi hưu không phải là điều dễ dàng.
Trong bối cảnh đó, giải pháp tham gia bảo hiểm xã hội trở thành một lựa chọn khôn ngoan, giúp đảm bảo cuộc sống sau này. Có thể nói, dù bạn có điều kiện tốt đến đâu, việc đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội vẫn là một bước đi cần thiết để chuẩn bị cho tương lai.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)