Những món đồ chơi đã trở nên quá quen thuộc với các gia đình có con nhỏ. Ở mỗi lứa tuổi nhất định, trẻ lại yêu thích và có nhu cầu tìm hiểu các loại đồ chơi khác nhau. Chính vì lý do này mà không ít phụ huynh than thở ''không biết từ bao giờ đồ chơi đã chất thành đống ở trong nhà''. Có nhiều đến như vậy nhưng trẻ lại luôn thích thứ mới lạ, đôi khi còn đòi hỏi bố mẹ mua thêm những đồ chơi mới.
Khi tôi đang mua sắm ở trung tâm thương mại, tôi bước đến cửa một cửa hàng đồ chơi và thấy ở đó rất đông người, hầu hết là trẻ em. Tôi không định vào trong, nhưng tiếng khóc của một đứa trẻ làm tôi chú ý. Đứa trẻ ngồi bệt xuống đất, nước mắt giàn giụa, túm lấy quần áo của mẹ không chịu buông, thậm chí còn không thèm lau nước mũi, người mẹ tức giận nói với đứa trẻ: “Mẹ đã mua rất nhiều Lego như vậy ở nhà. Nó ở khắp mọi nơi và rất khó để dọn dẹp, tại sao bây giờ con lại muốn mua tiếp? Hôm nay mẹ sẽ không mua cho con, con có đi không? Nếu con không đi, mẹ sẽ đi".
Thấy mẹ nổi cơn tam bành, đứa bé cũng không nhúc nhích mà vẫn khóc, trong tiếng khóc xen lẫn những lời bướng bỉnh: “Con muốn mua, hôm nay con muốn mua…”, lời nói càng khiến người mẹ tức giận, cuối cùng bà vùng vằng giằng ra khỏi tay đứa trẻ, bỏ đi không ngoảnh lại. Thấy mẹ kiên quyết bỏ đi, đứa trẻ nhất thời hoảng sợ, vội đứng dậy đuổi theo mẹ.
Tại sao đứa trẻ lại nhất quyết đòi mua thứ này như vậy? Không phải là trẻ nhất định phải mua mà vì đứa trẻ nghĩ, tại sao cha mẹ muốn mua cái gì cũng được, không chút khó khăn gì, mà chúng lại không được mua. Vì vậy khi thấy cái gì hứng thú, chúng sẽ van xin đòi mua bằng mọi cách. Nếu cha mẹ từ chối một cách độc đoán, điều này sẽ khiến các bé cảm thấy không bình đẳng và không được tôn trọng. Nhưng vì còn nhỏ, chưa biết cách diễn tả bằng lời nói nên trẻ chỉ biết cách phản đối bằng cách khóc.
Một trong những phương pháp khá hiệu quả là cha mẹ nên thỏa thuận với con cái mỗi lần đi mua sắm gì đó. Hôm nay ra ngoài mua gì, cha mẹ mua gì, những thứ con có thể mua là gì, con muốn mua gì? Sau khi thảo luận xong, đứa trẻ sẽ sẵn sàng đồng ý.
Khi đến trung tâm mua sắm, ngay cả khi đứa trẻ nhìn thấy những thứ khác mà nó đặc biệt muốn, nó sẽ thảo luận với mẹ một cách hợp lý khi nghĩ đến thỏa thuận trước khi ra ngoài. Nếu mẹ từ chối, trẻ sẽ sẵn sàng hơn khi chấp nhận nó.
Lúc này cha mẹ nhắc trẻ một lần nữa chúng ta cùng bàn bạc về thứ con muốn hôm nay xem có cần thiết phải mua không, nếu thấy cần thiết thì lần sau sẽ mua. Khi trẻ em được người lớn tôn trọng, chúng có thể giao tiếp tốt hơn và hợp lý hơn.
Trong nhiều trường hợp, không phải trẻ không nghe lời mà là chúng có những suy nghĩ riêng của mình, điều này cha mẹ nên nắm bắt được và trao đổi với trẻ thay vì quát mắng. Khi trẻ được tôn trọng, chúng sẽ tự nhiên học cách tôn trọng người khác và quan tâm đến người khác!
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)