Tiết kiệm tiền là điều mà tất cả chúng ta nên làm vì những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà bạn không hề hay biết. Vì vậy có một khoản tiền dự phòng sẽ không bao giờ là thừa trong cuộc sống của bạn.
Số tiền tiết kiệm hàng tháng là bao nhiêu?
Nên dành ra từ 10% đến 20% thu nhập cho việc tiết kiệm. Nếu thu nhập hiện tại chưa cao, hãy cố gắng tiết kiệm bất cứ đồng nào bạn có thể. Thay vì đợi đến lúc kiếm được nhiều tiền mới tiết kiệm, chi bằng bạn làm điều đó ngay từ bây giờ.
Nếu bạn có thể dễ dàng tiết kiệm 10%, hãy thử tăng lên 15% hoặc thậm chí 20%. Mục tiêu cuối cùng là dần tăng mức tiết kiệm để đạt con số 20% thu nhập cho khoản hưu trí và quỹ khẩn cấp.
Muốn tạo dụng thói quen tiết kiệm tiền, bạn có thể áp dụng quy tắc 50/30/20 để chia nhỏ thu nhập hàng tháng. Theo quy tắc lập ngân sách này, bạn nên phân bổ 50% thu nhập cho các khoản cần thiết (nhà ở, hàng tạp hóa, tiền điện nước, sức khoẻ…), 30% thu nhập cho các khoản bạn muốn (giải trí, du lịch, mua sắm…) và 20% thu nhập để tiết kiệm.
Bạn nên cắt ra khoản tiết kiệm trước, sau đó chi tiêu phần còn lại. Nếu 20% là một con số quá lớn, hãy cố gắng bắt đầu với 10% hoặc ít nhất là 5%. Điều này sẽ giúp bạn hình thành thói quen và tạo quỹ tiết kiệm ban đầu.
Phải làm sao mới có thể hình thành thói quen tiết kiệm tiền?
Chỉ mua thứ thực sự cần: Bạn xác định những khoản không cần thiết hay có thể chi tiêu ít hơn, chẳng hạn giảm khoản giải trí, làm đẹp và ăn uống; cố tiết kiệm các chi phí cố định hàng tháng như tiền điện, tiền nước, tiền đi lại, điện thoại di động...
Không tiêu quá dự tính: Nên nhớ rằng nếu bạn tiêu quá dự toán, hệ lụy sẽ kéo sang tất cả các khoản còn lại. Món đồ bạn mua vẫn chỉ là một gạch đầu dòng trong khi bạn còn vô số gạch đầu dòng khác cần chi trả.
Ghi chép cụ thể thu chi: Hãy ghi lại mọi khoản chi tiêu và tổng kết cuối mỗi tháng. Bạn phải biết rõ mình chi tiêu những gì trong tháng thì mới có thể dựa vào đó để rút kinh nghiệm cho tháng sau. Từ bản danh sách này, hãy đánh giá từng hạng mục để xem khoản nào chưa hợp lý, có thể cắt giảm.
Cân đối với thu nhập: Khi biết những khoản mình phải chi tiêu trong một tháng, bạn có thể bắt đầu sắp xếp các khoản chi trong kế hoạch thành một ngân sách khả thi.
Ngân sách của bạn cần phải được cân đối với thu nhập. Đừng quên tính đến các khoản chi phí xảy ra thường xuyên nhưng không phải hàng tháng, chẳng hạn như bảo dưỡng xe, du lịch...
Bỏ ống heo tiền lẻ: Phần lớn mọi người có xu hướng chỉ muốn cất giữ những đồng tiền có mệnh giá lớn, coi thường tiền lẻ, có thể vứt lung tung. Tuy nhiên, bạn hãy giữ lại những đồng tiền lẻ này trong vòng một tháng để xem kết quả nhé. Mặc dù chúng có giá trị nhỏ nhưng khi góp nhặt được nhiều thì con số bạn có được sẽ không hề ít đâu.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)