Trong nhà bếp từ các dụng cụ sơ chế, nấu nướng đến thực phẩm chọn lựa đều phải được làm sạch, có như vậy mới đảm bảo sức khỏe cho cả nhà. Tuy nhiên, có một thứ vật dụng rất quen thuộc ở trong bếp mà nhiều người cứ tưởng rằng chúng sạch sẽ, hóa ra lại là ổ chứa vi khuẩn và được xem là vật trung gian mang mầm bệnh tật cho chúng ta.
Đó chính là miếng bọt biển hay dùng để rửa chén hằng ngày. Các nhà khoa học Đức đã công bố kết quả nghiên cứu về lượng vi khuẩn chứa trong miếng bọt biển là ổ chứa vi khuẩn cực khủng với 362 loài khác nhau và bình quân trên mỗi cm vuông sẽ có 45 tỷ vi khuẩn. Thử làm phép so sánh với nơi cho là bẩn nhất, lượng vi khuẩn này còn hơn cả lượng vi khuẩn trong bồn cầu. Hoặc nếu so sánh với hố ga thoát nước, miếng bọt biển rửa chén chỉ xếp thứ 2 về mức độ ô nhiễm vi khuẩn.
Còn bất ngờ hơn nữa với thông tin được đăng trên Scientific Reports rằng trong số các loài vi khuẩn ấy, miếng bọt biển rửa chén còn chứa nhiều loài thường có trong phân, gây nên các bệnh ngộ độc và tiêu chảy.
Vì miếng bọt biển rửa chén luôn trong tình trạng ẩm ướt, và người dùng thường chủ quan do nghĩ chúng sạch nên ít khử trùng, đây là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Trong khi đó, bàn tay của chúng ta chưa cần biết được vệ sinh chưa cứ vô tư cầm miếng bọt biển rửa chén lên rồi kỳ cọ, chùi rửa, vô tình mang thêm mầm mống vi khuẩn.
Thêm nữa, nhiều gia đình có thói quen ngâm miếng bọt biển rửa chén trong xà phòng hàng giờ liền vì nghĩ đây là cách làm sạch, nhưng càng ngâm lâu, vi khuẩn càng sinh sôi nảy nở. Cho nên, việc cần làm là sau khi rửa chén xong phải giặt sạch miếng bọt biển này rồi phơi khô ráo để dành cho lần dùng tiếp theo. Như thế sẽ tránh được sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn trên miếng bọt biển rửa chén.
Ngay cả khi ngâm trong nước xà phòng nóng để tiêu diệt vi khuẩn nhưng thực tế rất khó diệt hết, kể cả nếu dùng thuốc tẩy lại càng nguy hiểm hơn bởi nếu không được giặt sạch, chất tẩy còn lưu lại trên đó có khả năng đụng với chén dĩa chúng ta ăn và gây nên các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, miếng bọt biển rửa chén dù được vệ sinh kỹ lưỡng thường xuyên, vẫn có khả năng xuất hiện các vi khuẩn có hại cho cơ thể. Vậy nên, tốt nhất hãy định kỳ 7-10 ngày thay miếng rửa chén mới. Đừng đợi đến lúc chúng cũ mèm, bốc mùi mới thay mới.
Quá trình sử dụng miếng bọt biển rửa chén, cũng cần lưu ý 3 điều sau để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, nảy nở:
- Trước khi sử dụng phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng rồi lau khô.
- Tuyệt đối không dùng để lau nước chảy ra từ thịt sống hoặc cá, hải sản sống... vì đây là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn.
- Ngay sau khi rửa chén xong, phải giặt sạch bằng xà phòng rồi phơi khô, nếu được hãy để chúng dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì như vậy sẽ giúp chúng mau khô hơn và có thể tiêu diệt vi khuẩn, sau đó hãy để dành cho lần sử dụng kế tiếp. Mình càng làm sạch và khô ráo miếng bọt biển rửa chén chừng nào, vi khuẩn càng ít có thời gian trú ngụ chừng đó.
Ngoài ra, có thể đun sôi nước trên bếp rồi cho miếng bọt biển rửa chén vào hoặc đặt trong máy rửa chén, nhưng trước khi đặt phải đảm bảo rằng nhiệt độ nước đủ nóng để tiêu diệt hết vi khuẩn. Hoặc chị em có thể đặt miếng bọt biển rửa chén ẩm trong lò vi sóng và cho quay 1 phút để tiêu diệt vi khuẩn. Hiệu quả của các cách làm này lên đến 99%.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)