Mỗi khi Tết đến một trong những nỗi băn khoăn của những người con xa xứ là việc mua vé xe, vé tàu về quê đón tết. Nếu bạn chưa cầm được chiếc vé trên tay thì hãy tham khảo thông tin dưới đây:
Nên đặt vé xe, tàu, máy bay sớm
Như bạn đã biết, năm nào việc mua vé xe, tàu hoặc vé máy bay về quê đón tết của những người lao động và sinh viên là một nỗi “ám ảnh”. Có người phải nghỉ làm cả tuần để xếp hàng mua vé, có sinh viên nhờ bạn đi học thay để tranh thủ đi mua vé. Nhưng có người vẫn không có được tấm vé về quê kịp đón giao thừa cùng gia đình.
Năm nay việc bán vé online cũng khá phổ biến được giúp việc mua vé xe trở nên dễ dàng hơn. Nhưng do lượng cầu quá đông nên cũng không tránh khỏi những trục trặc hoặc nghẽn mạng khi thực hiện đặt vé xe tết online. Nói tóm lại, bạn phải tranh thủ mua vé về quê càng sớm càng tốt. Dù vé xe, vé tàu hay vé máy bay cũng phải cố gắng mua ngay khi các đơn vị cung cấp mở bán. Đừng để cận ngày về mới mua sẽ rất khó và khả năng không có được vé là rất cao.
Điều cần biết khi đặt vé tàu xe là nên đặt sớm (Ảnh minh họa)
Hạn chế thay đổi lịch trình
Đôi khi vì những lí do gì đó mà bạn phải thay đổi lịch trình khi đã có được tấm vé về quê. Ngoài những trường hợp bất khả kháng ra thì bạn tuyệt đối không nên thay đổi lịch trình. Trước tiên, việc thay đổi sẽ làm bạn mất đi một số tiền trả phí cho đơn vị cung cấp. Quan trọng hơn là bạn sẽ rất khó đổi được tấm vé theo như lịch trình thay đổi của mình. Tóm lại, tốt nhất là hạn chế thay đổi lịch trình trong những ngày cao điểm về quê đón tết để tránh những rắc rối phát sinh.
(Ảnh minh họa)
Chọn ngày đi tránh cao điểm
Nói có vẻ vô lý vì những ngày cao điểm tết thì lúc nào tình hình vé xe tàu đều căng thẳng. Nhưng vẫn có những lúc thấp điểm để bạn chọn cho chuyến về quê đón tết của mình được thuận lợi. Với các bạn sinh viên, thường nghỉ tết sớm hơn những người đi làm nên có thể chủ động mua vé sớm để về quê. Trường hợp những người đi làm thường theo lịch nghỉ tết chung của cả nước. Nếu không thể sắp xếp để về quê sớm hơn thì bạn hãy chọn những khung giờ để tránh cao điểm. Ví dụ chọn lúc khởi hành buổi tối hoặc sáng sớm. Những khung giờ này sẽ “dễ thở” hơn nhưng bạn phải chịu khó thức khuya dậy sớm. Vào mùa tết những khung giờ này cũng có nhiều người chọn nhưng nếu bạn đặt vé sớm thì sẽ chủ động hơn rất nhiều.
(Ảnh minh họa)
Transit (quá cảnh)
Đây là “bí quyết” của các bạn sinh viên được truyền tai nhau để về quê đón tết đấy. Bạn có hình dung ra cách “transit” (quá cảnh) này không. Ví dụ, mục đích của bạn là đi từ TP HCM ra Hà Nội nhưng bạn không mua sẽ trực tiếp tuyến đường hoặc chuyến bay này. Thay vào đó, bạn sẽ mua vé về Nghệ An hoặc Thanh Hóa chẳng hạn. Sau đó bạn tiếp tục bắt xe đi về nơi mình muốn đến.
Cách làm này có thể mất thời gian và công sức nhưng đôi khi bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền đấy. Nó cũng rất hiệu quả trong trường hợp bạn không mua được vé đi thẳng về nhà.
Nói không với “cò vé”
Có một thực tế là nhiều hành khách vẫn mua vé từ “cò” dù phải trả giá cao và có nguy cơ nhận phải vé giả, không được lên tàu. Để ngăn chặn tình trạng này, năm nay, Tổng Công ty Đường sắt siết chặt hơn các hình thức kiểm tra vé.
Theo đó, ngành đường sắt sẽ không tổ chức bán vé bổ sung, nối chặng cho khách trên tàu. Ngoài ra, mọi hành khách phải xuất trình giấy tờ hợp lệ để được mua vé và tất cả thông tin cá nhân phải trùng khớp với thẻ mới được đi tàu. Máy quét kiểm tra vé cũng được sử dụng từ cổng ra vào cho đến khi khách ngồi trên tàu, để đảm bảo tính chính xác giữa thông tin trên vé với thông tin hành khách.
(Ảnh minh họa)
Đối với những người lần đầu đi tàu, dễ dàng bị lừa khi đến mua vé tại ga, cần lưu ý rằng vé chỉ được bán qua các kênh chính thức là tại quầy giao dịch ở ga, các điểm bán liên kết, qua website và tổng đài. Vì thế, mọi cá nhân bên ngoài đều là “cò mồi” rao bán vé giả với giá cao.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)