Cả đời vất vả tích cóp, số tiền tiết kiệm trở thành chỗ dựa quan trọng cho tuổi già. Tuy nhiên, việc tiết lộ số tiền này cho con cái vào thời điểm nào lại là điều khiến nhiều bậc cha mẹ trăn trở. Nếu nói quá sớm, họ lo con cái chủ quan, ỷ lại hoặc chi tiêu phung phí. Nhưng nếu chờ quá muộn, có thể xảy ra những tình huống bất ngờ khiến con cái trở tay không kịp. Những bậc cha mẹ thông minh thường lựa chọn một trong ba thời điểm dưới đây để tiết lộ tài sản một cách hợp lý.
Khi con cái đã lập gia đình và ổn định kinh tế
Một trong những thời điểm phù hợp để cha mẹ tiết lộ tiền tiết kiệm là khi con cái đã lập gia đình và có nền tảng kinh tế ổn định. Khi ấy, con đã bước vào giai đoạn trưởng thành, hiểu rõ trách nhiệm tài chính và có thái độ nghiêm túc đối với cuộc sống.
Tiết lộ tài chính cho con cái là một quyết định quan trọng đối với người cao tuổi (Ảnh minh họa)
Chẳng hạn, ông Trương nhận thấy con trai sau khi tốt nghiệp đại học đã có công việc ổn định, kết hôn và mua nhà bằng khoản vay ngân hàng. Dù còn nợ tiền nhà nhưng vợ chồng con trai rất chăm chỉ làm việc và có ý thức tiết kiệm. Thấy vậy, ông quyết định tâm sự với con: "Bố mẹ đã dành dụm được một khoản tiền để dưỡng già. Nhưng nếu sau này có khó khăn, ví dụ như con cần hỗ trợ tài chính để lo cho con cái hoặc nâng cấp nhà cửa, bố mẹ vẫn có thể giúp được phần nào".
Việc tiết lộ tài chính vào thời điểm này không chỉ giúp con cái có thêm sự an tâm về gia đình mà còn giúp gắn kết tình thân. Đồng thời, vì con cái đã có nguồn thu nhập riêng, họ sẽ không dễ dàng tiêu xài hoang phí khoản tiền cha mẹ để lại.
Khi sức khỏe giảm sút, cần con cái chăm sóc
Tuổi tác càng cao, sức khỏe càng suy giảm. Nếu cha mẹ gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và cần con cái chăm sóc, đây cũng là thời điểm hợp lý để tiết lộ tài chính. Điều này giúp con cái chủ động lên kế hoạch chăm sóc cha mẹ, tránh tình trạng bị động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
(Ảnh minh họa)
Bà Lý, một phụ nữ từng sống độc lập, không muốn làm phiền con cái. Nhưng sau một cơn đau tim đột ngột, bà nhận ra rằng mình không còn đủ sức khỏe để tự lo liệu mọi thứ như trước. Khi con gái và con rể thay phiên nhau chăm sóc, bà quyết định chia sẻ: "Mẹ có một khoản tiền tiết kiệm, nếu cần chi phí khám chữa bệnh hay thuê người chăm sóc, con cứ chủ động sử dụng. Mẹ không muốn con vất vả quá nhiều vì mẹ".
Lúc này, con cái sẽ không phải lo lắng về vấn đề tài chính khi chăm sóc cha mẹ, đồng thời cảm nhận được sự tin tưởng từ cha mẹ, tạo nên sự gắn kết gia đình sâu sắc hơn.
Khi đã có kế hoạch rõ ràng về phân chia tài sản
Một số người cao tuổi có kế hoạch rõ ràng về số tiền tiết kiệm của mình: một phần để dưỡng già, một phần dành cho con cái, thậm chí một phần để làm từ thiện. Khi đã có kế hoạch này, việc công khai với con cái sẽ giúp tránh những hiểu lầm hoặc tranh chấp tài sản về sau.
(Ảnh minh họa)
Ông bà Vương đã quyết định chia tài sản của mình theo ba phần: một phần để lo tuổi già, một phần chia đều cho hai con trai, và một phần dành để ủng hộ một trường tiểu học vùng cao. Trước khi thực hiện kế hoạch, họ gọi hai con trai đến và nói rõ: "Chúng ta đã dành dụm cả đời, và đây là cách bố mẹ muốn sử dụng số tiền này. Mong các con tôn trọng quyết định và hiểu rằng dù chia ra như thế nào, tình cảm gia đình vẫn là quan trọng nhất".
Việc tiết lộ tài chính vào thời điểm này giúp gia đình tránh được những mâu thuẫn không đáng có, đồng thời giúp con cái hiểu và tôn trọng ý muốn của cha mẹ.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)