Sự lo lắng của người dân trước thông tin về sữa giả, thuốc giả, và thực phẩm chức năng kém chất lượng là hoàn toàn dễ hiểu. Những sản phẩm này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vậy làm thế nào để có thể an tâm sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng và lựa chọn sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp phép?
Cục ATTP nhấn mạnh rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe là sản phẩm được sử dụng để bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày, nhằm duy trì, tăng cường và cải thiện chức năng của cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh. Điều quan trọng cần lưu ý là thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Khi có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Người dân có thể cứu sản phẩm đã được cấp phép trên cổng thông tin của Cục An toàn thực phẩm
Để đảm bảo an toàn, Cục ATTP yêu cầu tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi được lưu thông trên thị trường. Thông tin về các sản phẩm đã được cấp phép, cũng như Giấy xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có), đều được công khai trên các trang web chính thức của Cục ATTP, cổng Dịch vụ công của Bộ Y tế, và cổng khai y tế. Người dân hoàn toàn có thể tra cứu thông tin này trước khi quyết định mua sản phẩm.
Ngoài việc tra cứu thông tin trực tuyến, Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu), đảm bảo có đầy đủ các thông tin sau:
- Tên sản phẩm;
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng;
- Thành phần, thành phần định lượng;
- Định lượng;
- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng;
- Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có);
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe";
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).
- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.
Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác với các quảng cáo trên mạng xã hội. Cục ATTP chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm thường gặp trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, như: quảng cáo rằng sản phẩm có thể chữa khỏi bệnh; sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để giới thiệu về sản phẩm; hoặc không có dòng chữ cảnh báo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
(Ảnh minh hoạ)
Một nguồn thông tin hữu ích khác mà Cục ATTP cung cấp là trang "công khai xử lý vi phạm" trên website của Cục. Tại đây, người dân có thể tra cứu thông tin về các sản phẩm đã bị xử lý vi phạm, giúp đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn.
Trước đó, để đối phó với tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục ATTP đã yêu cầu các Sở Y tế và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố, xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tăng cường triển khai hậu kiểm theo hướng dẫn của Cục.
Với những thông tin và hướng dẫn này, Cục ATTP hy vọng người dân sẽ trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để lựa chọn được những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Các trang web người dân có thể tra cứu trước khi mua sản phẩm:
https://dichvucong.moh.gov.vn/
https://congkhaiyte.moh.gov.vn
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)