Cuộc trò chuyện giữa cậu bé và mẹ (cô Meng, 35 tuổi, sống tại Giang Tô, Trung Quốc) nhận được nhiều sự quan tâm. Trong đó, cậu con trai tự ti nói: "Con thấy nhà mình bình thường nhất lớp, bố mẹ các bạn đều là giám đốc, làm chủ doanh nghiệp lớn".
Mẹ nghe thấy con trai nói vậy, cười bảo, con nhớ mục đích đến lớp là để học chứ không phải quan tâm quá nhiều đến việc bố mẹ các bạn làm nghề gì.
"Con trai, con hãy nhớ 3 điều này: Con là ai, con đến từ ở đâu và mục đích của con là gì. Con đang có một cuộc sống tốt đẹp và không cần phải so sánh mình với người khác. Con có biết điều gì quan trọng hơn may mắn không? Đó là một người có giá trị bản thân", cô nói.
Cậu con trai dường như không bị thuyết phục trước lời của mẹ. Cậu khẳng định rằng các bạn cùng lớp cũng thực sự xuất sắc. Cậu vô cùng vất vả, nỗ lực rất nhiều mới có thể theo được bạn bè trong lớp học tiếng Anh.
"Vậy thì hãy dùng nó làm động lực. Mẹ tin con sẽ theo kịp nếu cố gắng".
"Vâng ạ", cậu bé đồng ý.
Cậu bé tự ti vì nhà không giàu như bạn.
Để xoa dịu nỗi lo lắng trong con, người mẹ nhắc con nên coi trọng giá trị bản thân, hơn là tiền bạc.
Cô tiếp tục trò chuyện với con, chia sẻ giúp con hiểu điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là cả gia đình đều có sức khoẻ tốt, không bị phụ thuộc vào tiền bạc.
Đồng thời, cô nói với con trai nên dành thời gian để phát triển thành một người đàn ông có năng lực.
"Con có hạnh phúc không?", câu hỏi cuối cùng cô Meng dành cho con.
"Đúng vậy, bởi vì con là một con khỉ", dường như cậu bé đã hiểu và vui vẻ đùa lại với mẹ.
Câu chuyện nhỏ nhưng sâu sắc này nhận được sự tán dương mạnh mẽ từ cư dân mạng: "Một người mẹ tinh tế và thấu hiểu"; "Giáo dục bằng yêu thương luôn chạm tới trái tim"...
Cách cha mẹ giúp con vượt qua cảm giác tự ti
Dạy con nhận diện giá trị bản thân
Giải thích cho con rằng giá trị một con người không nằm ở bố mẹ làm nghề gì, có bao nhiêu tiền, mà nằm ở nỗ lực, nhân cách và hành động của chính bản thân con.
Hỏi ngược
Thay vì phủ nhận cảm xúc tiêu cực của con, hãy đặt những câu hỏi thông minh như: "Con lấy tiêu chí gì để so sánh?", "Mục tiêu thật sự của con là gì?".
Cách hỏi này giúp con tự suy nghĩ và thay đổi góc nhìn chứ không phải bị ép thay đổi.
Dùng so sánh tích cực
Dạy con so sánh với chính mình – hôm nay có tiến bộ hơn hôm qua không, chứ không phải so với người khác.
Điều này giúp con tập trung vào sự phát triển cá nhân thay vì áp lực cạnh tranh xã hội.
(Ảnh minh họa)
Tạo môi trường khích lệ
Khen con đúng cách, ghi nhận nỗ lực thay vì kết quả.
Khi con gặp thất bại, hãy đồng hành, phân tích và định hướng thay vì khiến con cảm thấy mình "kém cỏi".
Làm gương
Nếu cha mẹ hay than "Nhà mình không bằng nhà người ta", con sẽ tiếp thu tư duy này.
Cha mẹ cần thể hiện thái độ biết ơn, tự tin, bình thản với hoàn cảnh sống, để con cảm thấy mình đang có đủ.
Tự ti không phải bản chất – đó là kết quả của sự so sánh sai hướng và thiếu tự tin. Cha mẹ chính là người "gương soi", giúp con học được cách yêu bản thân và tự hào về chính mình, từ những điều nhỏ nhất.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)