Nước vo gạo là một trong những loại nước tưới cây được nhiều người ưa chuộng, nhất là với các loại rau trồng trong vườn nhà. Nước này giúp cây phát triển mà không cần sử dụng hóa chất.
Nước vo gạo rất tốt nhưng không nên dùng nước vo gạo trực tiếp đổ vào cây. Nếu tưới như vậy, nước vo gạo sẽ lên men trong đất. Quá trình lên men này sinh ra nhiều nhiệt và khí carbonic dễ làm cháy rễ cây, khiến lá và hoa chuyển sang màu vàng. Nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến cây bị lụi tàn.
Vì vậy, trước khi tưới cho cây, bạn nên để nước vo gạo lên men.
Cách làm nước vo gạo lên men rất đơn giản. Bạn sẽ cần một vài chai nhựa lớn (hoặc thùng) để đựng nước vo gạo. Cho nước vo gạo vào chai nhựa, có thể thêm một ít vỏ cam, quýt (để nước gạo lên men có mùi dễ chịu hơn và cũng bổ dung dinh dưỡng cho nước). Không nên đổ nước quá đầy chai vì quá trình lên men có thể sinh ra khí làm chai bị căng phồng. Vặn nắp chai (đậy nắp thùng) lại và để ở dưới nắng. Sau khoảng 15 ngày, nước vo gạo sẽ lên men và có thể đem ra sử dụng. Trong quá trình ủ nước vo gạo, thỉnh thoảng nên mở nắp chai để khí trong chai thoát ra ngoài.
Với phần nước vo gạo lên men, bạn cũng không nên tưới trực tiếp cho cây vì nồng độ quá cao sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Hãy pha loãng nước vo gạo lên men với nước sạch theo tỷ lệ ít nhất là 1:3. Mỗi tuần chỉ cần tưới cho cây bằng nước vo gạo lên men 1 lần là đủ.
Nước vo gạo lên men không phải loại nước tưới thích hợp với tất cả cây trồng. Bạn cần xem loại cây đó thích môi trường có tính axit (độ pH thấp) hay môi trường có tính kiềm (độ pH) cao. Các loại cây ưa axit được tưới nước vo gạo lên men sẽ phát triển tốt hơn. Một số loại cây có thể kể đến là cây phát tài, cây hoa nhài, cây hoa lan, cây củ cải xanh, cây cọ trắng...
Cây dương xỉ, cây xương rồng, cây dâm bụt... là những cây thích tính kiềm, không thích hợp để sử dụng nước vo gạo lên men.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)