Khi hai bà cháu đến siêu thị, cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp do siêu thị mới khai trương có áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn. Cậu bé 5 tuổi hiếu động, mới đến cửa đã muốn chạy ngay vào trong. Tuy nhiên, bà Lưu biết rằng mình cần phải cực kỳ cẩn thận trong những tình huống như vậy và luôn giữ chặt tay cháu mình, nhẹ nhàng nhắc nhở cậu bé không được chạy nhảy lung tung.
Dù vậy, tính hiếu động tự nhiên của trẻ em đôi khi khó kiểm soát. Trong lúc bà Lưu đang chọn trái cây, cậu bé đã biến mất, bà Lưu gọi tên cháu mình trong lo lắng và đi xung quanh các quầy hàng để tìm kiếm. Đột nhiên, bà nhận ra một đám đông đang tụ tập gần quầy trứng, nơi mặt đất lấm tấm vỏ trứng vỡ và lòng đỏ. Cậu bé đứng bên cạnh, đầu cúi gằm, rõ ràng là đã gây ra rắc rối.
Nhân viên siêu thị tỏ ra giận dữ, cáo buộc cậu bé đã phá hoại hàng hóa và đòi bồi thường gấp mười lần giá trị. Dù trong lòng lo lắng, bà Lưu vẫn giữ được bình tĩnh và đáp lại một cách điềm đạm: "Siêu thị vừa mới khai trương và cháu tôi chỉ là đứa trẻ với sự tò mò, hiếu động, cháu không cố ý làm vỡ trứng. Chúng tôi sẽ bồi thường theo giá trị thực tế và sẽ hỗ trợ dọn dẹp sạch sẽ. Hãy thử đặt mình vào vị trí của cháu tôi, liệu bạn có muốn mình bị la mắng một cách nghiêm khắc như vậy không?".
Những lời của bà Lưu đã chạm đến trái tim của nhân viên siêu thị, khiến cô này tỏ ra bối rối. Cuối cùng, cô đã chấp nhận lời đề nghị của bà Lưu và chỉ yêu cầu bồi thường theo giá thực tế. Cậu bé cũng nhận ra lỗi lầm của mình và đã xin lỗi cô nhân viên siêu thị, bà mình cũng như mọi người. Sau khi thanh toán, bà Lưu dẫn cháu trai rời khỏi siêu thị. Trên đường về, bà kiên nhẫn dạy dỗ cháu mình về việc phải nghe lời người lớn, đặc biệt khi đến những nơi đồng người, dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc lỗi để trở thành một con người tốt hơn.
Câu chuyện ấm áp này không chỉ khiến chúng ta cảm động bởi sự hiểu chuyện của bà Lưu mà còn bởi cách bà đã thể hiện lòng khoan dung khi giải quyết vấn đề. Trước sai lầm của cháu trai, bà không trách mắng hay phạt đòn mà chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng và hành động một cách thiết thực, qua đó mang lại bài học quý giá về cuộc sống cho cháu.
Hành động của bà Lưu không chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt mà còn hướng tới sự phát triển của cháu trai. Bà dùng chính hành động và lời nói của mình để truyền đạt tầm quan trọng của trách nhiệm và lòng thương người. Bà dạy cháu rằng, khi đối mặt với sai lầm, quan trọng không phải là trốn tránh hay đổ lỗi mà là dũng cảm chấp nhận và sửa sai. Đồng thời, cũng cần học cách thông cảm và khoan dung, đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, bởi chỉ khi đó, con người ta mới có thể trở nên có trách nhiệm và biết thương con người.
Trong thực tiễn cuộc sống, việc nuôi dạy một đứa trẻ trở thành người có trách nhiệm và lòng thương người là một quá trình đòi hỏi sự gương mẫu của phụ huynh, sự khích lệ đối mặt và chấp nhận sai lầm. Chỉ có như vậy những đứa trẻ mới dần trưởng thành và trở thành một người tốt, có trách nhiệm.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)