Bảo quản chanh trong cát
Chọn những quả chanh tươi ngon, mọng nước rồi đem rửa sạch và để cho thật ráo nước.
Chuẩn một chiếc hũ hoặc vại và một ít cát sạch. Lượng cát phải vừa đủ để vùi hết số chanh và cát không được lẫn đất đát, rác, sỏi… Phun một chút nước để làm ẩm cát.
Vùi chanh trong cát có thể giữ cho chanh tươi ngon trong vòng vài tháng.
Rải một lớp cát xuống dưới đấy hũ/vại rồi xếp chanh lên trên. Cứ một lớp chanh lại rải một lớp cát. Làm như vậy cho đến khi nào hết chanh thì thôi. Lớp trên cùng sẽ là cát phủ kín chanh.
Để hũ/vại chanh ở nơi thoáng mát, tránh nắng.
Với cách này, bạn có thể bảo quản chanh trong khoảng 2 tháng. Mỗi lần dùng chỉ cần lấy chanh ra, đem rửa sạch là được. Đây là cách bảo quản chanh, bưởi, cam, quýt… được các cụ ngày xưa hay áp dụng.
Bảo quản chanh trong ngăn đá
Bạn nên chọn những quả chanh có vỏ mỏng, cầm cảm giác nặng tay và chanh không bị dập nát.
Chanh mua về rửa sạch rồi ngâm nước muối.
Sau đó, vớt chanh ra khỏi nước muối và tráng lại bằng nước sạch. Để chanh ra rổ thưa cho thật khô ráo.
Với những quả chanh to, bạn chỉ cần bổ đôi, không cần cắt vỏ. Tuy nhiên, với chanh nhỏ, vỏ cứng, bạn nên gọt bỏ bớt lớp vỏ xanh bên ngoài rồi mới cắt đôi. Chanh đào thì không cần gọt vỏ vì vỏ chanh vốn dĩ khá mỏng mềm, dễ vắt.
Sau khi cắt đôi toàn bộ số chanh đã chuẩn bị, bạn có thể tiến hành vắt nước chanh. Dùng dụng cụ vắt chanh hoặc vắt căm để vắt chanh sẽ rất tiện, giúp vắt được tối đa nước trong quả chanh. Nếu không có thì bạn có thể vắt chanh bằng tay như bình thường.
Nên dùng một mẩu giấy ăn nhỏ bọc lên vỏ chanh rồi mới vắt. Giấy ăn sẽ thấm phần tinh dầu tiết ra từ vỏ, giúp nước chanh không bị đắng. Lưu ý, nên gấp tờ giấy nhỏ nhất có thể để tránh giấy xòe to hút cả phần nước cốt chanh. Khi thấy giấy ướt thì thay bằng giấy mới.
Vắt nước cốt chanh rồi để vào tủ lạnh sẽ giúp bạn có nước chanh để dùng cả năm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gọt sạch vỏ chanh, gạt bỏ phần hạt, rồi cho vào máy ép chậm để ép lấy nước cốt.
Sau khi vắt hết toàn bộ số chanh đã chuẩn bị, bạn hãy chia nước chanh vào khay đá viên nhỏ rồi bỏ vào ngăn đá. Khi nước chanh đá đông cứng lại thì lấy ra, gỡ các viên nước chanh ra rồi cho vào hộp, đậy nắp kín và để lại vào trong ngăn đá tủ lạnh. Như vậy, khi cần dùng, bạn chỉ cần lấy 1-2 viên nước chanh ra là được. Chỉ cần để vài phút là nước chanh sẽ tự tan ra. Bảo quản theo kiểu này, bạn sẽ có nước cốt chanh để dùng quanh năm. Nước cốt vẫn giữ được mùi thơm.
Cách chọn mua chanh tươi không nhiễm độc
Ngửi thử mùi hương
Hãy thử ngửi mùi của quả chanh, nếu chanh có mùi thơm nhẹ vốn có của cây chanh, đó là chanh tươi, còn chanh có mùi hắc, nồng, khó chịu là do có chứa hóa chất, phun xịt thuốc chưa kịp để vơi bớt mùi thì đã đem ra thị trường.
Những quả chanh có mùi hắc sẽ không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Quan sát hình dáng quả
Những quả chanh có da láng mịn, căng bóng không xù xì hay vón cục sẽ có lượng vitamin cao hơn so với những quả khác.
Quan sát kích thước quả
Thay vì chọn quả chanh to, hãy chọn quả chanh có kích thước vừa phải nhưng nặng tay, chanh nặng tay sẽ chứa nhiều nước hơn, tươi hơn, chất lượng hơn.
Cũng không nên chọn quả có kích thước quá nhỏ, có thể đó là chanh còn non khi ăn sẽ có vị đắng, thường không chứa nhiều nước và không chứa đủ dưỡng chất cần thiết.
Một điều nữa là những quả chanh với kích thước quá lớn rất có thể được sử dụng nhiều thuốc kích thích tăng trưởng, nên cũng hạn chế lựa chọn chúng.
Quan sát màu sắc quả
Chọn chanh có màu xanh sáng, da mỏng và tươi tắn, không xuất hiện nấm mốc.
Tránh mua chanh có màu xanh sẫm hoặc có các đốm vàng trên da, thường thì đấy là chanh đã cũ, nước chanh có thể bị ê và không còn đủ vị chua và thơm, còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Chú ý đến nguồn gốc
Để biết được chanh có chất lượng hay không, điều đầu tiên nên chú ý đến chính là xuất sứ của chanh.
Đặc biệt trong trường hợp bạn dùng vỏ chanh để làm bánh hay ăn trực tiếp thì cần nên để ý điều này. Quá trình canh tác là yếu tố quyết định xem chanh có bị nhiễm độc hay không. Vì thế, bạn nên lựa chọn loại quả có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hỏi người bán hàng về nguồn gốc, xuất xứ.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)