Một câu chuyện đáng suy ngẫm từ môi trường công sở vừa được chia sẻ bởi một độc giả đã làm việc tại công ty gần chục năm.
Anh cho biết: "Tôi rất chăm chỉ, chất lượng công việc cũng không tệ, nhưng cảm giác lãnh đạo đối với tôi khá dửng dưng. Đặc biệt khi họp, lãnh đạo hỏi ý kiến, tôi luôn trả lời chi tiết, kèm theo nhiều số liệu và phân tích. Thế nhưng lãnh đạo dường như không hài lòng. Tôi đã làm sai điều gì chăng?".
Câu hỏi này phản ánh một trong những sai lầm phổ biến nhất nơi công sở: ngộ nhận rằng câu hỏi của lãnh đạo chính là điều họ thực sự muốn biết.
Thực tế, trong môi trường làm việc, câu hỏi của lãnh đạo thường không nằm ở nội dung bề mặt, mà là nhu cầu ngầm phía sau.
Nguyên tắc vàng chính là: hiểu và phản hồi theo ẩn ý của lãnh đạo, chứ không đơn thuần là nghĩa đen của câu hỏi.
Trong công sở, thành công không chỉ dựa vào kỹ năng chuyên môn, mà còn ở khả năng nắm bắt ẩn ý và ứng xử khéo léo (Ảnh minh họa)
Câu chuyện về "sự thật đau lòng" của người giỏi
Một nhân viên trẻ tên Khải Hoàng - tốt nghiệp trường top đầu, năng lực nổi bật được nhận vào một công ty danh tiếng. Trong một lần đơn vị chuẩn bị triển khai dự án mới, lãnh đạo hỏi anh: "Cậu thấy dự án này thế nào?".
Ngay lập tức, Khải Hoàng thể hiện sự chuyên nghiệp, nói liền mạch suốt cả chục phút, từ tính khả thi, khó khăn kỹ thuật, nhân sự, đến ngân sách, thậm chí còn chỉ ra 3 rủi ro tiềm ẩn và đề xuất phương án cải thiện. Kết thúc, anh tự tin chờ phản hồi. Nhưng trái với mong đợi, lãnh đạo lại tỏ vẻ khó xử.
(Ảnh minh họa)
Sau cuộc họp, một đồng nghiệp kỳ cựu tên là anh Trương kéo Khải Hoàng ra và nói: "Cậu sai rồi. Lãnh đạo hỏi thế không phải để nghe phân tích mà là để cậu tán thành. Dự án đó là do sếp đề xuất và rất tâm huyết. Cậu phân tích rủi ro trước mặt mọi người chẳng khác nào chỉ ra lỗi của lãnh đạo".
Khải Hoàng ngơ ngác: "Nhưng em chỉ nói sự thật, lại còn muốn đóng góp ý kiến cải thiện cơ mà?".
Anh Trương thở dài: "Ở đơn vị, lãnh đạo hỏi không phải để thi kiến thức. Mà là để xem cậu có hiểu ý hay không".
Công sở là nơi giao thoa giữa công việc và "trò chơi quan hệ"
Dù bề ngoài ai cũng nói về hiệu suất, tiến độ, chỉ tiêu... nhưng bên trong lại là cuộc chơi phức tạp của ngôn ngữ ẩn dụ và nhu cầu cảm xúc.
Lãnh đạo hỏi "Dự án này tôi đề xuất thế nào?" → Thực ra là nói "Hãy ủng hộ tôi".
Lãnh đạo hỏi "Ý tưởng tôi thế nào?" → Nghĩa là "Tôi đã quyết, cậu hãy gật đầu".
Lãnh đạo hỏi "Có ý kiến gì không?" → Có thể là muốn nghe góp ý, nhưng cũng có thể là muốn tìm người đồng thuận.
Làm sao phân biệt được? Điều này phải dựa vào việc quan sát, tích lũy kinh nghiệm và tinh tế trong đối nhân xử thế.
Người được trọng dụng không phải lúc nào cũng là người giỏi nhất, mà là người hiểu lãnh đạo nhất. Người đó biết điều gì nên nói, khi nào nên nói, và nói thế nào để vừa làm tốt công việc, vừa khiến lãnh đạo yên tâm.
(Ảnh minh họa)
Hiểu đúng không phải là "nịnh", mà là một loại trí tuệ
Có người bảo: "Thế chẳng khác nào nịnh bợ?", nhưng thật ra không giống. Người nịnh là người nói lời hoa mỹ vô nghĩa. Người hiểu lãnh đạo, là người biết nói điều phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ, đồng thời vẫn giữ được chuyên môn.
Ví dụ, nếu Khải Hoàng trả lời thế này: "Dự án này có tầm nhìn rất đúng đắn, lại phù hợp định hướng từ cấp trên. Phòng chúng em rất mong được tham gia vào một công việc vừa thách thức vừa nhiều tiềm năng. Trong quá trình triển khai, có thể sẽ gặp vài điểm cần lưu ý, nếu được, em xin phép trình bày riêng với anh sau". Câu trả lời này vừa cho lãnh đạo thể diện, vừa không né tránh vấn đề, lại thể hiện sự chuyên nghiệp, đáp ứng cả ba mục tiêu.
Công thức giao tiếp với lãnh đạo: 3 bước "vàng"
Khen trước - tạo thiện cảm, giữ thể diện cho lãnh đạo
Nêu vấn đề - thể hiện đã suy nghĩ thấu đáo
Đưa giải pháp - chứng minh giá trị cá nhân
Khi lãnh đạo hỏi điều gì đó, họ không cần kiến thức, mà cần sự đồng hành, sự hiểu ý, sự hỗ trợ. Và đôi khi, một câu trả lời thông minh lại quan trọng hơn cả một báo cáo dày cộp.
(Ảnh minh họa)
Văn hóa Á Đông vốn đề cao "ý tại ngôn ngoại", "nghe lời phải hiểu ý". Ở nơi làm việc cũng vậy, đừng chỉ chăm chăm vào làm việc giỏi, mà quên mất rằng: biết "nhìn mặt mà nói chuyện" mới là kỹ năng quyết định vị trí của bạn.
Nhớ kỹ một điều: Khi lãnh đạo hỏi bạn điều gì, đừng chỉ trả lời bằng lý trí, hãy phản hồi bằng sự thấu hiểu. Đó không phải là sự khôn khéo giả tạo, mà là nghệ thuật sinh tồn và phát triển trong môi trường công sở.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)