Mỗi người trong chúng ta đều có ước mơ, đều tìm cách làm thế nào để thực hiện ước mơ của mình. Nhưng ước mơ cũng cần phải nhìn vào thực tế, nếu ước mơ của mình không đúng thời điểm, vậy thì ước mơ đó đối với bản thân mà nói, chẳng có ý nghĩa gì cả. Những người thường nói về ước mơ của mình đều là những người không có kinh nghiệm xã hội, luôn ôm ấp trái tim nhiệt huyết với cuộc sống để nói về ước mơ của mình.
Ở nước Mỹ từng có một câu chuyện như thế này:
Một cậu bé ước mơ trở thành một nhà văn, vô cùng thích viết văn, thế nhưng thành tích môn văn của cậu lại rất tệ, vì cậu thấy ngữ pháp vừa phức tạp lại vừa khô khan, thế nên cậu ghét dài dòng, viết bài tập làm văn rất hời hợt. Vì thế, cô giáo dạy văn của cậu không hề đọc bài văn tưởng tượng của cậu. Thế nhưng cậu bé chưa từng thay đổi ước mơ của mình, thái độ của cậu đối với môn ngữ văn cũng chẳng hề thay đổi, cho tới khi có một thầy giáo tên Frigg phụ trách giảng dạy ngữ văn lớp cậu. Một ngày, thầy cho các học sinh một bài tập về nhà, trên đó viết đầy những đề bài giàu trí tưởng tượng.
Cậu bé phát hiện người thầy này khác với những người khác, thế là cậu bắt đầu lựa chọn đề bài, cậu đọc vài dòng tiêu đề văn tưởng tượng, cảm thấy chẳng có gì hay ho, chẳng muốn viết gì cả. Đột nhiên, mục tiêu của cậu dừng lại ở đề bài “Nghệ thuật ăn mỳ Ý”, ký ức sinh động bỗng nảy ra trong đầu cậu và cậu bắt đầu đặt bút: Đó là một buổi tối vô cùng ấm áp, bên ngoài cửa sổ, ánh trăng tròn treo lơ lửng trên cao, ánh trăng như dòng nước ấm áp trải đầy sân vườn, cả nhà ngồi quây quần bên bàn ăn, lặng lẽ chờ đợi món mỳ Ý của cô làm. Đây là lần đầu tiên cô tôi làm mỳ Ý, mùi vị khá kỳ lạ nhưng cả nhà đều ăn rất nghiêm túc, còn không ngừng khen ngợi và cổ vũ cô. Niềm vui và tiếng cười tràn ngập khắp căn nhà.
Cậu bé viết một mạch hết thảy những gì hiện lên trong đầu mình, đương nhiên vẫn là viết theo cách mà cậu thích, còn những kỹ năng làm văn và ngữ pháp được học ở trường đều bỏ qua hết. Sau khi viết liền một mạch, cậu cảm thấy rất khoan khoái, đó là cảm giác làm văn mà cậu chưa từng có trước đây, dường như cậu cũng đã quên rằng mình đang hoàn thành bài tập mà thầy giáo giao. Sau khi nộp bài tập làm văn của mình, cậu không hề ôm hy vọng rằng sẽ được thầy khen ngợi, vì việc này chưa từng xảy ra với cậu. Nhưng nằm ngoài dự liệu của cậu, bài văn của cậu được thầy khen ngợi và đọc trước lớp, các bạn trong lớp cũng nghiêm túc lắng nghe bài văn của cậu, trong lớp chỉ có tiếng đọc bài văn của thầy. Sau khi thầy đọc xong, các bạn trong lớp dường như đều mở lời khen ngợi và vỗ tay cho cậu.
Sau này, cậu bé lớn lên trở thành một phóng viên ở một tòa soạn báo địa phương, nhờ có văn phong và cách lựa chọn đề tài nhạy bén, cậu được chủ biên cử tới thường trực tại Nhà Trắng, sau đó lại được nhận vào tờ “The New York Times”, trở thành một nhà văn chuyên đề nổi tiếng. Ông chính là Russell Baker, hai lần giành được giải thưởng Pulitzer về lĩnh vực Báo chí, sau này lại đảm nhiệm vai trò giám khảo cho giải Pulitzer, lý tưởng của ông thực sự đã thành hiện thực.
Thế mới nói, ước mơ, có thể kích thích, cổ vũ cuộc đời của một người. Trên con đường trưởng thành, nếu cảm thấy cuộc sống mơ hồ thì có ước mơ là điều có ý nghĩa vô cùng. Vì ước mơ có thể cổ vũ chúng ta, cuộc đời đối với mỗi người mà nói đều cần phải có ước mơ chống đỡ thì mới có ý nghĩa.
Ai cũng mong muốn ước mơ của mình thành hiện thực, cuộc đời như vậy mới có giá trị. Cuộc đời của một người, thực ra muốn có rất nhiều thứ nhưng xác suất có được chúng lại không hề cao. Vì thế, thực hiện ước mơ của chúng ta cũng cần phải phù hợp với tình hình thực tế. Cần phải xem xét năng lực cao thấp của bản thân, thực hiện ước mơ trong phạm vi năng lực của bản thân mới là điều đúng đắn.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)