Nhiều người có thói quen đưa mọi thứ vào tủ lạnh với suy nghĩ đơn giản là để bảo quản tốt hơn. Tuy nhiên, môi trường nhiệt độ thấp và độ ẩm cao trong tủ lạnh không phải lúc nào cũng là lý tưởng cho tất cả các loại thực phẩm. Việc bảo quản sai cách có thể dẫn đến lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn.
Dưới đây là 5 loại thực phẩm mà bạn nên tránh xa tủ lạnh nếu muốn giữ chúng tươi ngon và bổ dưỡng:
1. Sôcôla
5 loại thực phẩm nên tránh xa tủ lạnh nếu muốn giữ chúng tươi ngon và bổ dưỡng
Sôcôla là món ăn yêu thích của nhiều người, nhưng việc bảo quản trong tủ lạnh lại là một sai lầm phổ biến. Môi trường lạnh và ẩm sẽ khiến đường trong sôcôla dễ dàng tan chảy và sau đó kết tinh lại khi hơi nước bốc hơi, tạo thành hiện tượng "trắng sương" trên bề mặt. Khi lấy sôcôla ra môi trường bên ngoài, hơi ẩm tích tụ nhanh chóng có thể làm mất đi mùi vị đặc trưng, khiến sản phẩm dễ bị mốc và hư hỏng.
Cách bảo quản đúng: Nên giữ sôcôla ở nơi thoáng mát, khô ráo với nhiệt độ lý tưởng khoảng 5–18°C.
2. Khoai tây
Nhiều người lo lắng khoai tây sẽ mọc mầm nếu để bên ngoài nên chọn cách cho vào tủ lạnh. Tuy nhiên, nhiệt độ thấp trong tủ lạnh sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển hóa tinh bột trong khoai tây thành đường. Khi những củ khoai này được nấu ở nhiệt độ cao (như chiên, nướng), lượng đường này có thể tạo ra acrylamide – một hợp chất được cho là có khả năng gây hại cho sức khỏe con người.
Cách bảo quản đúng: Khoai tây nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp. Điều này giúp hạn chế đáng kể quá trình mọc mầm.
3. Các loại hạt khô (Hạt điều, óc chó, hạnh nhân...)
Quan niệm cho rằng bảo quản hạt khô trong tủ lạnh sẽ giữ chúng tươi lâu hơn là một sai lầm. Nhiệt độ lạnh cùng độ ẩm cao trong tủ lạnh có thể khiến hạt bị ẩm, dẫn đến nấm mốc phát triển. Đặc biệt, một số loại nấm mốc có thể sản sinh ra aflatoxin – một loại độc tố cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. Ngoài ra, dầu trong hạt cũng rất dễ bị ôxy hóa trong môi trường ẩm.
Cách bảo quản đúng: Hạt khô nên được cất giữ ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời và các môi trường quá nóng hoặc quá ẩm.
4. Trái cây nhiệt đới (Chuối, xoài, dứa, đu đủ...)
Trái cây nhiệt đới vốn quen với môi trường ấm áp. Khi bị đưa vào nhiệt độ thấp của tủ lạnh, mô tế bào của chúng có thể bị tổn hại, khiến quả nhanh chóng bị thâm, mềm nhũn và hư hỏng hơn. Đây là lý do vì sao chuối thường chuyển sang màu đen rất nhanh khi cho vào tủ lạnh.
Cách bảo quản đúng: Nên để trái cây nhiệt đới ở nhiệt độ phòng và thưởng thức càng sớm càng tốt để đảm bảo độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng.
5. Dâu tây
Mặc dù không phải là trái cây nhiệt đới, dâu tây cũng không phù hợp để bảo quản trong tủ lạnh nếu chưa sử dụng ngay. Môi trường lạnh sẽ khiến hơi nước dễ dàng tích tụ trên bề mặt dâu tây, làm quả nhanh chóng bị mềm, úng và hư hỏng chỉ sau 1-2 ngày.
Cách bảo quản đúng: Dâu tây cần được giữ bề mặt khô ráo, để ở nơi thoáng mát và tránh ẩm ướt để kéo dài thời gian bảo quản.
Việc tưởng chừng như giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm lại hóa ra gây tác dụng ngược, khiến chúng nhanh hỏng hơn và thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Nắm vững cách thức bảo quản đúng đắn không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo an toàn và giá trị dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn trong gia đình.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)