1. Ngành hàng không
Chi phí học lái máy bay đặc biệt cao và có thể kéo dài nhiều năm. Ngành này chỉ phù hợp với những nhà có bố mẹ dư giả. Chi phí đào tạo một học viên phi công cơ bản tại trường Bay Việt rơi vào khoảng 1,8 tỷ đồng, với thời gian đào tạo dao động 18 - 20 tháng. Riêng giai đoạn huấn luyện bay ở nước ngoài chiếm nhiều chi phí nhất khoảng 57.000USD - 65.000USD (tương đương 1,3 - 1,6 tỷ đồng). Học phí của giai đoạn huấn luyện lý thuyết là 134 triệu đồng còn huấn luyện phối hợp tổ bay từ 99 triệu đồng.
Hơn nữa, muốn trở thành phi công, trước hết bạn phải vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào với hàng loạt bài kiểm tra về sức khoẻ, kiến thức và ngoại ngữ. Sau đó bạn phải tham gia nhiều buổi học với hàng trăm giờ bay thử trước khi lấy được bằng lái máy bay. Phi công không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thị lực tốt mà còn phải có khả năng phối hợp và giao tiếp tốt, lên kế hoạch, kỹ năng định hướng, dẫn đường, khả năng tập trung cao độ trong một thời gian dài. Ngoài ra, phi công cũng đòi hỏi có tinh thần trách nhiệm cao.
Chỉ nên học phi công nếu gia đình khá giả (Ảnh minh họa)
2. Mỹ thuật và thiết kế thời trang
Thiết kế Thời trang là ngành học đào tạo các kỹ năng cần thiết cho việc sản xuất ra quần áo và phụ kiện nói chung mà mọi người có thể mặc lên người. Bạn không chỉ được học cách làm những trang phục thường ngày như quần bò hay áo thun mà còn biết thêm cách may áo dạ hội, đồ công sở,... Ngành thời trang không chỉ dừng lại ở áo và quần mà còn có trang sức, giày dép, đồ hóa trang cho phim ảnh nên bạn sẽ được đào tạo thêm về cách làm những món này. Để biến ý tưởng trên trang giấy thành sản phẩm thực tế, bạn sẽ phải trau dồi những kỹ năng như thiết kế mẫu mã, lựa chọn chất liệu vải, cân nhắc về màu sắc và tất nhiên là làm chủ mọi kỹ thuật may vá.
Nhưng bạn có biết, nguyên liệu, dụng cụ, máy móc và các khóa học nâng cao... ngoài chương trình chính thức tiêu tốn rất nhiều tiền. Nhưng khi ra trường khó kiếm được công việc ổn định. Không có năng lực và quan hệ tốt thì không trụ được trong ngành.
Ngành tốn kém khi theo học là thiết kế thời trang (Ảnh minh họa)
3. Ngành kiến trúc và xây dựng
Kiến trúc được xem là ngành học của sáng tạo. Nhờ bàn tay tài hoa và cặp mặt thẩm mỹ tinh tường của các Kiến trúc sư mà những không gian bình thường sẽ hoá thành tiện nghi, sang trọng. Cũng chính vì vậy, nếu Kỹ sư xây dựng được xem là người đặt những viên gạch bền vững bước đầu cho một công trình, thì Kiến trúc sư sẽ là người làm cho công trình ấy thêm phần giá trị và phát huy hết công năng.
Ngày nay, vai trò của các Kiến trúc sư còn góp phần kiến tạo nên các không gian sống xanh, thân thiện, ít phát thải và chan hoà cùng tự nhiên...Cơ hội việc làm của các Kiến trúc sư có lẽ cũng chính vì thế mà luôn dồi dào, đầy triển vọng.
Thế nhưng ngành này đòi hỏi đầu tư nhiều vào dụng cụ học tập, phần mềm thiết kế và máy tính có cấu hình cao. Ngoài ra, quá trình thực tập cũng đòi hỏi thời gian và chi phí di chuyển làm việc tại các công trình.
Ngành kiến trúc và xây dựng có chi phí theo học khá cao (Ảnh minh họa)
4. Ngành luật
Hiểu một cách đơn giản, ngành luật là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định. Trong đó có các lĩnh vực chính như: thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên hoặc chuyên viên pháp lý.
Dành cả thanh xuân để học, 4 năm đèn sách ra trường cũng không thể trở thành luật sư mà còn phải học thêm vài năm nữa. Chi phí để tham gia các kỳ thi tư pháp và thực tập tại các văn phòng luật là rất cao.
Học luật cần đam mê và cũng phải kiên trì, có điều kiện kinh tế (Ảnh minh họa)
5. Ngành y
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao khiến Việt Nam ngày càng có nhiều các phòng khám tư nhân, bệnh viện, cơ sở y tế…, mở ra cơ hội việc làm cho các bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên. Những người được học và đào tạo về nghiệp vụ đầy đủ sẽ có đủ năng lực để chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe tại những cơ sở y tế hoặc chăm sóc bệnh nhân tại nhà, hoạt động truyền thông phòng bệnh, giáo dục sức khỏe tại các đơn vị hành chính, các tổ chức y tế; nghiên cứu về khoa học.
Tuy nhiên, đây là ngành có thời gian học lâu, chi phí đào tạo đắt đỏ. Sau khi tốt nghiệp để hành nghề chính thức cũng cần vượt qua nhiều kỳ thi chứng chỉ rất tốn kém.
Y, Dược là một trong những ngành học lâu, chi phí lớn (Ảnh minh họa)
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)