Bước 1: Thông báo ngay cho cơ quan chức năng
Theo quy định, sau khi xảy ra TNGT, nạn nhân (hoặc người được ủy quyền) cần nhanh chóng thông báo vụ việc đến cơ quan CSGT hoặc chính quyền địa phương gần nhất. Bạn có thể gọi điện thoại đến tổng đài Trung tâm Cảnh sát 113 để báo cáo.
Bước 2: Cơ quan công an vào cuộc điều tra
Thông tư số 63 của Bộ Công an đã quy định rõ quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ, đặc biệt là trong trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn. Cơ quan CSGT địa bàn sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để thu thập chứng cứ, bao gồm:
Xử phạt nặng xe gây tai nạn rồi bỏ chạy (Ảnh minh hoạ)
- Xác định chủng loại xe gây tai nạn (nếu có thể)
- Ghi nhận biển số xe (nếu có)
- Mô tả đặc điểm người điều khiển (nam hay nữ)
- Rà soát, trích xuất camera an ninh của nhà dân, camera hành trình của các phương tiện xung quanh khu vực xảy ra tai nạn.
Bước 3: Xác định người điều khiển phương tiện
Sau khi thu thập đủ căn cứ liên quan đến phương tiện gây TNGT bỏ chạy, cơ quan công an sẽ gửi giấy mời yêu cầu chủ phương tiện lên làm việc để xác định người điều khiển vào thời điểm xảy ra tai nạn.
Bước 4: Dựng lại hiện trường và xử lý vi phạm
(Ảnh minh hoạ)
Khi đã xác định được người điều khiển phương tiện gây TNGT bỏ trốn, cơ quan công an sẽ tiến hành dựng lại hiện trường để xác định các tình tiết liên quan và làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Nếu nguyên nhân tai nạn hoàn toàn do lỗi của người điều khiển phương tiện bỏ trốn, người này phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí điều trị, khắc phục hậu quả sức khỏe cho nạn nhân, và sửa chữa phương tiện bị hư hỏng.
Ngoài ra, người gây tai nạn còn phải đối mặt với các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn và các tình tiết liên quan. Có thể là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)