Vào tháng 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".
Theo kết quả, 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quý và quan trọng đã được phát hiện. Trong đó, có khoảng 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng.
Kho báu này được ước tính có hơn 29,8 tấn vàng (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho hay, một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khoáng sản gồm: đất hiếm, sắt - mangan, bauxit, đồng - nickel, thiếc - wofram, vàng, ... Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.
Về đất hiếm, thông tin trên TNO cho hay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều quặng đất phân bố ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Các quặng đất có tiềm năng tạo ra các mỏ khoáng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa quy mô lớn, rất cần được điều tra, đánh giá trong thời gian tới.
Những kết quả phát hiện trên mở ra triển vọng tìm kiếm, phát hiện các mỏ quặng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa trên các đá magma thành phần trung tính, axit, kiềm có diện tích phân bố lớn ở các khu vực Bắc Trung bộ, Trung và Nam Trung bộ, Tây nguyên.
(Ảnh minh họa)
Đất hiếm bao gồm 17 nguyên tố hiếm, có vai trò quan trọng không thể thay thế trong các ngành công nghệ cao như sản xuất xe điện, tuabin gió, vi mạch điện tử, pin lithium-ion và thiết bị quân sự.
Quá trình thực hiện Đề án, Cục Địa chất và Khoáng sản đã khoanh định được 15 địa điểm phân bố đá magma có tiềm năng đất hiếm kiểu hấp phụ ion trong vỏ phong hóa và đề xuất đưa vào đề án Điều tra tổng thể quặng đất hiếm toàn quốc.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhu cầu đất hiếm ngày càng tăng cao. Hiện nay, Trung Quốc kiểm soát tới 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu, tạo ra những rủi ro lớn về chuỗi cung ứng. Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường này nếu có chiến lược khai thác và chế biến sâu hợp lý.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), thuộc Bộ Nội vụ Mỹ hồi tháng 3/2025 hiện trữ lượng đất hiếm tại Việt Nam là 3,5 triệu tấn. Con số này bằng 1/6 so với 22 triệu tấn được nêu trong báo cáo năm 2024. USGS lưu ý rằng trữ lượng của Nga, Nam Phi, Mỹ và Việt Nam đã được điều chỉnh dựa trên báo cáo của công ty và chính phủ.
USGS giải thích, dữ liệu trữ lượng đất hiếm luôn biến động tăng giảm. Tuy nhiên, với số liệu mới nhất, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có trữ lượng lớn nhất thế giới và trên cả Mỹ (với 1,9 triệu tấn).
Trữ lượng đất hiếm của các quốc gia top đầu thế giới (Biểu đồ tạo bởi AI)
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)