Mới đây, cảnh sát đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột và phát hiện 20.357 kg giá đỗ bị ngâm chất cấm 6- Benzylaminopurine (ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong). Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày khoảng từ 8-10 tấn.
Điều này khiến nhiều người dùng rất hoang mang. Vậy khi đi chợ để chọn được giá đỗ an toàn cho gia đình, bà nội trợ có thể căn cứ vào những đặc điểm dưới đây.
Phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất:
Đặc điểm giá đỗ sạch
Giá đỗ sạch là sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo chất lượng và không chứa hóa chất độc hại. Nó phát triển theo quy luật tự nhiên, giữ nguyên dinh dưỡng và vitamin, là nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho cơ thể.
Giá đỗ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, giá rẻ nên rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, để làm cây giá đỗ được to mập, đẹp mắt, đặc biệt là nhanh mọc và phục vụ lượng giá đỗ nhiều, liên tục cho khách hàng, hiện nay không ít người bán hàng đã sử dụng đến những hóa chất độc hại để làm giá. Việc thường xuyên sử dụng những loại giá đỗ này, không những không mang lại lợi ích sức khỏe mà sớm muộn cũng “rước họa vào thân”. Vì thế, ngay sau đây chúng tôi sẽ giúp bạn phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất đơn giản nhất.
Hình dạng giá đỗ
Giá đậu ngâm hóa chất thường có thân rất mập, to tròn, đều đặn đẹp mắt, nhưng rất giòn và dễ bị đứt gãy. Trong khi giá đỗ sạch thì có hình dạng “gầy” hơn, không bắt mắt bằng nhưng thân cây giá cứng hơn, khó đứt gãy.
Phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ ngâm hóa chất chỉ bằng mắt thường.
Chiều dài giá đỗ
Chiều dài, kích thước của rau giá ngâm hóa chất thường khá dài trong khi giá đỗ sạch chỉ có chiều dài bằng khoảng 1 nửa giá đỗ ngâm hóa chất.
Rễ giá đỗ
Giá đỗ sạch thường có rất nhiều rễ vì phải hút nhiều nước, còn giá đỗ ngâm hóa chất thì ngược lại, ít rễ và rễ thường rất ngắn hoặc không có rễ vì chưa kịp mọc.
Lá, mầm giá đỗ
Thông thường, giá đỗ sạch thường có 2 hạt mầm to và lá non màu xanh hoặc vàng. Còn giá đỗ ngâm hóa chất thường không có lá hoặc có 2 hạt ngậm chặt với nhau.
Màu sắc giá đỗ
Giá ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ rất đẹp mắt, còn giá đỗ sạch lại có màu trắng sữa hoặc nhạt hơn.
Mùi vị giá đỗ
Khi chưa sơ chế, giá đỗ ngâm hóa chất không có mùi vị gì, còn giá đỗ sạch thường có vị khé khé.
Sau khi đã chế biến, giá đỗ sạch có vị rất ngọt hoặc có vị hơi đắng (khi đã già) còn giá ngâm hóa chất có vị rất nhạt, khi xào còn ra nhiều nước.
Bảo quản
Giá đỗ sạch khi bảo quản ngoài không khí rất nhanh bị héo, khô lại hoặc thâm. Còn giá đỗ ngâm hóa chất thì tươi lâu hơn, nhiệt độ, nắng nóng vẫn chịu được.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)