Vòng ngọc nào đắt nhất?
Trong văn hóa Á Đông, vòng ngọc cẩm thạch rất được ưa chuộng, đặc biệt là ở Việt Nam. Cách đây hàng ngàn năm, ngọc cẩm thạch chỉ được sử dụng bởi những người giàu có và vua chúa. Do đó, mặt hàng trang sức này vẫn giá trị và được yêu cầu cho đến ngày nay.
Hiện nay, nhu cầu tăng cao dẫn đến thị trường vòng ngọc cẩm thạch trở nên khan hiếm hơn. Thị trường cũng vì vậy mà xuất hiện đủ mọi loại vòng với giá cả, chất lượng, nguồn gốc mù mờ. Thật giả lẫn lộn. Khách hàng cũng vì vậy mà khó lòng lựa chọn được cho mình một chiếc vòng chất lượng.
Cách chọn được vòng ngọc chất lượng tránh hàng giả.
Chọn mua vòng ngọc cẩm thạch
Theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cẩm thạch của tổ chức GIA (Viện đá quý Hoa Kỳ – Gemstone Institute of America). Chọn vòng cẩm thạch cần nhớ 3 yếu tố quan trọng nhất là độ trong, màu sắc và kết cấu của chiếc vòng.
Độ trong
Khi đánh giá chất lượng của một chiếc vòng ngọc cẩm thạch, điều đầu tiên và quan trọng nhất là độ trong của chiếc vòng. Để quan sát độ trong của chiếc vòng, chúng ta quan sát chúng dưới ánh sáng huỳnh quang.
Độ trong được phân ra làm 3 cấp độ: đục, bán trong, và trong mờ. Hiếm khi nào có một chiếc vòng trong suốt. Nếu có, thì giá trị của nó là cực kỳ lớn:
Đục: đây là loại có giá trị thấp nhất, chiếc vòng hoàn toàn không có độ trong. Dưới ánh sáng đèn, vòng nhìn tối và sạn.
Bán trong: đây là loại có giá trị trung bình-cao, dưới ánh đèn huỳnh quang chúng ta quan sát thấy vòng sáng bóng, mượt mà, nhưng ánh sáng không thể xuyên thấu.
Trong mờ: đây là loại có giá trị rất cao. Trong mờ nghĩa là chúng ta có thể nhìn xuyên thấu chiếc vòng. Ví dụ, khi đặt chiếc vòng lên một tờ báo, chúng ta có thể nhìn thấy những dòng chữ mờ bên dưới.
Ngoài ra, khi đánh giá độ trong của chiếc vòng, chúng ta cũng cần quan sát xem chiếc vòng có sạch hay không. Nghĩa là trong phần đá có bị lẫn các tạp chất như đất cát, bụi kim loại v.v… , ảnh hưởng đến vẻ đẹp của chiếc vòng đó hay không.
Màu sắc
Khi mua vòng cẩm thạch, chúng ta thường nghe giới thiệu về “cẩm thạch lý” và “cẩm thạch huyết”. Vậy thực chất “lý” và “huyết” là gì?
Đầu tiên, khi nói về màu sắc của vòng ngọc cẩm thạch, nhiều người thường dùng từ “lý”. Đi hỏi những người gốc Hoa ở Chợ Lớn, thì “lý” thực chất là từ tiếng Quảng, chỉ “màu xanh”. Nên khi người ta nói cẩm thạch lý nghĩa là cẩm thạch xanh, hay khi nói “chiếc vòng này xanh lý, nhiều lý” nghĩa là chiếc vòng này màu xanh, hoặc vòng trắng có pha nhiều màu xanh.
Phần lý là phần màu xanh đánh dấu tròn. Đây là phần có giá trị nhất của một viên cẩm thạch.
Ngoài ra, cũng có loại gọi là “cẩm thạch huyết“, người bán thường dùng từ này để chỉ những chiếc vòng màu vàng – đỏ, xanh-đỏ hoặc xanh-vàng. Thực chất, từ “huyết” có nghĩa là máu, hay màu đỏ.
Trong thực tế thì vòng ngọc cẩm thạch có đến 8 loại màu sắc khác nhau. Trong đó, được ưa chuộng nhất là loại màu lý và huyết, màu tím oải hương. Ngoài ra còn có màu cam, nâu, trắng, đen và xám.
Màu xanh lục bảo là loại có giá trị cao nhất.
Loại vòng cẩm thạch được ưa chuộng nhất, cũng như có giá trị cao nhất là loại màu xanh lục bảo, giới chuyên gia dùng từ “cẩm thạch hoàng đế” để chỉ màu sắc này. Loại này được ưa chuộng vì trong lịch sử Trung Hoa, các vị hoàng đế đều mang bên mình trang sức cẩm thạch màu xanh lục bảo để được trường thọ và giàu có ở cả kiếp này lẫn kiếp sau. Chính vì vậy mà ngày nay, người ta thường chọn vòng cẩm thạch màu xanh, chiếc vòng càng xanh càng đắt tiền.
Tiếp theo là màu vàng – đỏ (hoặc xanh - vàng; hoặc xanh - đỏ). Loại màu này ở Việt Nam người ta thường gọi chung là cẩm thạch huyết. Đây là loại màu sắc được giới quan lại và quý tộc xưa ưa thích vì chúng được cho là mang tới quyền lực và sự giàu có.
Cùng với đó là màu tím oải hương, màu đen và màu đỏ. Ở Trung Quốc người ta thường tặng những chiếc vòng màu này cho con cái bước vào tuổi trưởng thành. Phong tục này bắt nguồn từ tầng lớp con cái quý tộc xưa thường mang bên mình để được may mắn, sớm thành đạt, cũng như để chứng tỏ sự giàu có, thể hiện địa vị cao trong xã hội.
Các màu còn lại cũng có giá trị cao, tùy vào sở thích cá nhân mà chọn lựa, nhưng riêng loại màu xám thường có giá trị thấp nhất.
Kết cấu
Sau khi quan sát độ trong và màu sắc của chiếc vòng, chúng ta cần quan sát xem kết cấu của chiếc vòng có hài hòa, cân đối hay không. Tức là sự kết hợp giữa độ trong, màu sắc trên bề mặt của chiếc vòng có hài hòa hay không, có bắt mắt hay không. Cầm chiếc vòng trên tay có thấy sáng bóng hay không.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sở thích của mỗi cá nhân. Có người thích màu sắc đậm, có người lại thích màu sắc nhạt nên tùy vào cảm nhận của mỗi người mà quyết định.
Ngoài ra, chúng ta cần quan sát và đánh giá phần chế tác. Xem bề mặt và phần cạnh của chiếc vòng có được người thợ chế tác cân đối, tròn đều hay không. Chiếc vòng có bị nứt, vỡ, có khuyết điểm gì không.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)