Thủy ngân là một loại hóa chất rất độc tồn tại dưới nhiều dạng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ dàng ở nhiệt độ phòng. Ngay cả khi một lượng rất nhỏ thủy ngân trong nhiệt kế lọt ra ngoài không khí cũng có thể gây độc cho những người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ.
Vậy nếu vô tình làm vỡ nhiệt kế, xử lý thế nào khi “tràn” thủy ngân ra ngoài?
Lúc này khi trẻ hít vào, thủy ngân sẽ qua màng phế nang vào máu đến các cơ quan chức năng như thận, gan lách, hệ thần kinh trung ương gây viêm phổi nặng, mất trí nhớ, lơ mơ, co giật, nôn ói, viêm ruột. Trong một số trường hợp tiếp xúc với lượng thủy ngân lớn có thể gây ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Cách tốt nhất lúc này là đưa gia đình ra khỏi phòng ngay lập tức, mở toang cửa sổ, để các phân tử độc hại trong đó bay hơi theo không khí trong vài giờ.
Sau đó để bảo đảm sức khoẻ, bạn cần thay quần áo cũ, đeo găng tay cao su, khẩu trang y tế và bắt đầu thu dọn thủy ngân.
Bạn dùng chổi gạt bằng cao su hoặc miếng bìa cứng để thu nhặt các giọt thuỷ ngân còn vương vãi trên sàn mà bạn nhìn thấy được. Để đảm bảo không nhặt sót, bạn nên dùng thêm đèn pin, soi sát sàn nhà và tìm kiếm kĩ càng.
Đối với các giọt thủy ngân nhỏ hơn, không xử lý được bằng bìa cứng, bạn hãy dùng ống hút nhỏ giọt để hút các hạt thuỷ ngân, tuyệt đối không nên chạm trực tiếp vào chúng. Sau đó, bạn từ từ nhỏ các hạt thuỷ ngân vào một miếng khăn giấy ẩm, gấp lại.
Sau khi bạn đã dọn hết các hạt lớn, hãy nhớ bôi kem cạo râu lên chổi quét mini hoặc dùng băng keo nhẹ nhàng chấm khu vực bị ảnh hưởng để nhặt các hạt nhỏ và khó nhìn thấy hơn. Bạn có thể dùng thêm bột lưu huỳnh để hấp thu những giọt thuỷ ngân nhỏ. Bột lưu huỳnh sẽ bị đổi màu từ vàng sang nâu khi phản ứng với thủy ngân, do đó, bạn sẽ dễ phát hiện khu vực nào có thủy ngân và dễ dàng dọn sạch hơn.
Đặc biệt, nếu không may bị thủy ngân bắn vào người, sau đó thấy nhức đầu, buồn nôn, đau họng và sốt thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)