Ly hôn sẽ chia sổ tiết kiệm thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung và sẽ được chia đôi.
Điều luật nêu rõ: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Do đó, nếu ly hôn, theo quy định pháp luật thì về nguyên tắc tài sản sổ tiết kiệm sẽ được chia đôi.
Ngoài ra, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định sổ tiết kiệm sẽ là tài sản riêng nếu vợ hoặc chồng có thể chứng minh được toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm đó là của riêng, được hình thành từ các nguồn như được thừa kế riêng, tặng cho riêng hay được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân và không có thỏa thuận nhập số tiền đó vào khối tài sản chung, thì sẽ không bị chia khi giải quyết ly hôn.
Như vậy sổ tiết kiệm được mở trong thời kỳ hôn nhân sẽ được phân chia bằng nhau. Cả vợ và chồng đều được hưởng lợi khi chia sổ tiết kiệm này. Ngược lại nếu sổ tiết kiệm là của riêng vợ nếu chứng minh được là tài sản riêng thì phần tài sản này sẽ không bị chia khi ly hôn.
Quy định khi rút tiền trong sổ tiết kiệm 2 người đứng tên trở lên
Điều 10 Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN có quy định như sau:
Thủ tục nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm trong trường hợp đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm do tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm quy định phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.
Theo quy định này, việc rút tiền trong trường hợp đồng chủ sở hữu sẽ do tổ chức nhận tiền gửi (thường là các ngân hàng) quy định cụ thể. Hầu hết các ngân hàng đều quy định trường hợp rút tiền sổ tiết kiệm 2 người đứng tên trở lên đều phải do các đồng chủ sở hữu cùng thực hiện. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các đồng chủ sở hữu, đồng thời phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 về sở hữu chung.
Rút tiền trong sổ tiết kiệm 2 người đứng tên trở lên cần có sự đồng thuận của các chủ sở hữu
Tuy nhiên, trong trường hợp đồng chủ sở hữu không thể có mặt thì phải làm văn bản ủy quyền hợp lệ, hợp pháp cho đồng chủ sở hữu còn lại hoặc người khác để thực hiện thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm. Đây là bất tiện lớn nhất của việc đồng chủ sở hữu sổ tiết kiệm.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)