Ngày 26/1/1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Tỉnh lỵ của tỉnh đặt tại thành phố Việt Trì và 3 thị xã: thị xã Phú Thọ, Phúc Yên, Vĩnh Yên, cùng 18 huyện: Bình Xuyên, Cẩm Khê, Đa Phúc, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Kim Anh, Lâm Thao, Lập Thạch, Phù Ninh, Tam Dương, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Yên Lãng, Yên Lập. Sau khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.103km2, với gần 1,3 triệu dân.
Sau hơn 28 năm hợp nhất, tháng 11/1996, Quốc hội khoá IX ra nghị quyết tách Vĩnh Phú thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.235,87 km2, phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính: 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên).
Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà... Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như: Danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu...
Tính đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96ha. Với 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 117 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.742,89 triệu USD.
Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục có những đột phá mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, vì mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện.
Tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ có diện tích 3.535 km2, phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái. Tỉnh được chia thành có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm TP Việt Trì, TX Phú Thọ cùng 11 huyện là Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Hạ Hoà, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao và Phù Ninh.
Phú Thọ là vùng đất lịch sử, linh thiêng, có nhiều di tích, danh thắng (1.372 di tích, với 308 di tích được xếp hạng), 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương), nhiều lễ hội văn hóa, tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch.
Phú Thọ có vị trí quan trọng, tiếp giáp giữa vùng Đông Bắc, Tây Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng; vị trí "ngã ba sông", cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, đầu mối giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc; nằm trên Hành lang Kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gần Sân bay Nội Bài, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai... có điều kiện thuận lợi, cơ hội hợp tác, liên kết phát triển kinh tế toàn diện.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã có 7 khu công nghiệp (KCN) tập trung; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với diện tích hơn 2.000ha, gồm: KCN Thụy Vân; KCN Trung Hà; KCN Tam Nông; KCN Phú Hà; KCN Phù Ninh; KCN Cẩm Khê; KCN Hạ Hòa và 27 cụm công nghiệp đang hoạt động và được quy hoạch mới; có 2 trường đại học cấp Vùng, trên 20 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Với những tiềm năng, lợi thế như trên và trên cơ sở thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Phú Thọ đặt ra mục tiêu tiếp tục phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm Kinh tế vùng và là một trong những trung tâm khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, logistics của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, giữ vững vị trí là một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đồng thời, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Trung tâm Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam mang tầm cỡ Quốc gia, Quốc tế.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)