Theo Hội đồng Cacao Quốc tế (ICCO), đến tháng 4/2024, chỉ có 20 quốc gia trên thế giới được vinh danh là những nhà sản xuất và xuất khẩu cacao hương vị hảo hạng. Việt Nam tự hào góp mặt trong danh sách này, sánh vai cùng các cường quốc cacao truyền thống như Brazil, Ghana, Ecuador và Madagascar.
Mặc dù sản lượng cacao của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ, khoảng 0,1% trong tổng số hơn 4,3 triệu tấn cacao được sản xuất trên toàn cầu vào năm 2024, chất lượng và hương vị của nó lại được đánh giá cao. Khác với phần lớn cacao thế giới đến từ giống Forastero phổ biến, cacao Việt Nam chủ yếu thuộc giống lai Trinitario, nổi tiếng với hương thơm phong phú, phức hợp và tiềm năng chế biến sâu rộng. Chính điều này đã giúp cacao Việt Nam định vị mình trong phân khúc cao cấp của thị trường.
Chỉ có 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam được vinh danh là những nhà sản xuất và xuất khẩu cacao hương vị hảo hạng
Một điểm sáng khác của ngành cacao Việt Nam là sự phát triển của mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại các vùng trồng cacao như Đắk Lắk và Đắk Nông, nông dân không chỉ tập trung vào cây cacao mà còn kết hợp đa canh với các loại cây trồng khác. Hơn thế nữa, họ tận dụng tối đa mọi phần của trái cacao, từ hạt đến vỏ và các phụ phẩm, để tạo ra một chuỗi giá trị khép kín. Phân bón hữu cơ, năng lượng tái tạo và các phương pháp canh tác bền vững được áp dụng rộng rãi, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.
“Việt Nam đang tiên phong trong việc phát triển cacao theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu cho cả khu vực và thế giới trong lĩnh vực này”, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Julien Guerrier nhận định sau chuyến thăm các hợp tác xã cacao tại Tây Nguyên.
Thị trường cacao toàn cầu hiện nay phân biệt rõ hai nhóm sản phẩm: cacao thông thường (bulk cocoa) và cacao hảo hạng (fine flavor cocoa). Cacao hảo hạng, thường đến từ các giống cây quý như Criollo và Trinitario, sở hữu hương vị phong phú, phức hợp và giá trị thương mại cao hơn nhiều lần so với cacao đại trà. Điều này mang đến cơ hội lớn cho cacao Việt Nam, với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong phân khúc thị trường cao cấp.
Theo dự báo của Mordor Intelligence, thị trường hạt cacao toàn cầu được định giá khoảng 17,24 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt gần 24 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CAGR) là 6,81%. Cacao được trồng tại hơn 50 quốc gia trong khu vực nhiệt đới ẩm ướt, tập trung trong "Vành đai Cacao" nằm giữa 20 độ vĩ Bắc và Nam tính từ đường Xích đạo.
Mặc dù cacao được cho là có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ, các phát hiện khảo cổ gần đây cho thấy có thể cacao đã bắt nguồn từ khu rừng mưa Amazon của Nam Mỹ từ hơn 5.000 năm trước. Vào thời điểm đó, cacao không được sử dụng như một món ngọt mà là một thức uống đậm đắng, thường được pha với gia vị trong các nghi lễ thiêng liêng.
Tuy nhiên, dù mang trong mình tiềm năng to lớn, cacao cũng đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao dẫn đến tình trạng thoát hơi nước tăng, khiến đất và cây trồng mất đi độ ẩm nhanh chóng, trong khi lượng mưa không đủ bù đắp. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia như Bờ Biển Ngà và Ghana, nơi sản xuất hơn 50% lượng cacao của thế giới.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không có các giải pháp thích ứng, diện tích đất phù hợp để trồng cacao có thể giảm tới 40% vào năm 2050. Nghiêm trọng hơn, Diễn đàn Kinh tế Thế giới thậm chí còn dự đoán rằng cây cacao có thể biến mất hoàn toàn vào đầu thập kỷ 2050 do nhiệt độ tăng cao và thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
Trong bối cảnh này, việc Việt Nam tập trung vào phát triển cacao bền vững, chất lượng cao và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ ngành cacao trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Với những nỗ lực không ngừng, cacao Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên thị trường quốc tế, khẳng định vị thế của mình như một loại "kim cương đen" quý giá.
Tú Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)