Hạt tiêu là quả của cây hồ tiêu. Loài cây này có thân dạng dây leo, mọc thành đốt. Ở mỗi đốt lại mọc rễ để cây có thể bám và leo lên cột, giàn. Lá hồ tiêu có điểm tương đồng với lá trầu nhưng bé hơn, cứng và dày hơn.
Quả hồ tiêu mọc liên tiếp trên chuôi, với chiều dài khoảng 7 - 10cm, thậm chí 25cm. Mỗi quả là một hình cầu nhỏ, bán kinh khoảng 2 - 3mm. Thời gian thu hoạch tiêu rơi vào tháng 12 và kéo dài đến tháng 3 năm sau.
Cây tiêu có tuổi thọ không quá cao, ưa thích những triền đồi cao ráo, mát mẻ, thoáng nước. Vì vậy, loài cây này được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, đảo Phú Quốc, Quảng Trị, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu và các nước trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.
Tại Việt Nam có 5 loại phổ biến, đó là tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng (tiêu sọ), tiêu hồng và hạt mắc khén Tây Bắc. Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu trong hơn 20 năm qua.
Hạt tiêu chính là quả của cây hồ tiêu
Thống kê của Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, trong tháng 6/2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 28.162 tấn hạt tiêu các loại, giảm 10,2% về lượng nhưng tăng nhẹ 0,1% về kim ngạch.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 142.586 tấn hạt tiêu, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng mạnh 30,5% về giá trị. Trong đó, lượng tiêu đen xuất khẩu đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD.
Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân của hạt tiêu đã tăng 1.000 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá tiêu đen đạt hơn 4.300 USD/tấn, tiêu trắng đạt gần 6.000 USD/tấn.
VPSA thông tin, nửa đầu năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 37.435 tấn, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 26,3% thị phần. Đứng sau là thị trường các nước như Đức với 9.526 tấn (tăng 106,7%); thị trường UAE đạt 8.388 tấn (tăng 15,2%); thị trường Ấn Độ đạt 8.173 tấn (tăng 45,7%) và thị trường Hà Lan đạt 6.019 tấn (tăng 52,1%).
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu tiêu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu trong những giai đoạn giáp hạt khi mà nguồn cung trong nước ở mức thấp. 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 18.002 tấn hạt tiêu các loại với tổng kim ngạch đạt 69,6 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba quốc gia cung cấp hạt tiêu chủ yếu cho Việt Nam gồm Brazil đạt 7.241 tấn (giảm 22,3%); Campuchia đạt 6.212 tấn (tăng 34,5%) và Indonesia đạt 2.991 tấn, (tăng 67,3%).
Trong nước, đà tăng của giá tiêu vẫn tiếp diễn. Tại phiên giao dịch ngày 13/7, giá tiêu hôm nay tăng 1.000 đồng/kg tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, dao động ở mức 154.000 đồng/kg. Tại Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai thương lái tiếp tục thu mua hạt tiêu với giá 153.000 đồng/kg.
Thị trường xuất khẩu hạt tiêu 6 tháng đầu năm 2024
Trên thị trường thế giới, theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 12/7, giá giao dịch tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,28%, trong khi giá thu mua tiêu đen Brazil ASTA 570 và giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ổn định so với ngày 11/7. Giá thu mua tiêu trắng Muntok tăng 0,28% và giá tiêu trắng Malaysia ASTA không thay đổi.
Hiện tượng El Nino và diện tích trồng suy giảm, cùng với lượng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang năm nay ở Việt Nam hầu như không đáng kể trong khi nhu cầu sử dụng tại các thị trường lớn tăng mạnh đã dẫn đến việc giá mặt hàng này leo cao trong thời gian gần đây.
Cục xuất nhập khẩu dự báo, giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Tuy nhiên, điều này khó có thể cản trở hạt tiêu cán mốc xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm nay.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)