Theo báo cáo năm 2024 của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam nắm giữ khoảng 5,8 tỷ tấn bô-xít, chỉ xếp sau Guinea với 7,4 tỷ tấn. Bô-xít, một loại quặng nhôm quan trọng, tập trung chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo. Ngoài Việt Nam, các quốc gia có trữ lượng bô-xít đáng kể bao gồm Úc, các nước Nam và Trung Mỹ (Jamaica, Brazil, Surinam, Venezuela, Guyana), các quốc gia châu Phi (Guinea), các nước châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc) và một số nước châu Âu (Hy Lạp, Nga).
Bô-xít là nguồn nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất nhôm. Quá trình này bao gồm hai giai đoạn chính: sản xuất alumin (Al2O3) từ bô-xít thông qua quy trình Bayer, sau đó điện phân alumin để tạo ra nhôm kim loại. Với trữ lượng bô-xít lớn, Việt Nam có tiềm năng xây dựng một ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Tỉnh Đắk Nông là nơi sở hữu trữ lượng bô-xít lớn nhất cả nước
Bộ Công Thương nhận định, trữ lượng bô-xít dồi dào và chất lượng tốt ở khu vực Tây Nguyên là lợi thế lớn để Việt Nam phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô-xít, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có hai loại bô-xít chính: bô-xít nguồn gốc trầm tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An.
Tuy nhiên, Đắk Nông mới là tỉnh nắm giữ trữ lượng bô-xít lớn nhất cả nước. Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, khoảng 2.396 km² (chiếm khoảng 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh) đã được xác định có tài nguyên và trữ lượng bô-xít. Trong Quy hoạch 866, tổng diện tích khu vực phân bố quặng bô-xít là hơn 1.670 km², chiếm 25% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Hiện tại, Đắk Nông có hơn 1.062 dự án, trong đó có 425 dự án đầu tư công có nhu cầu sử dụng đất chồng lấn với quy hoạch bô-xít, chiếm khoảng 6.692 ha. Ngoài ra, 83/232 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch trùng với quy hoạch bô-xít, trong đó gần một nửa số mỏ vật liệu san lấp nằm trong vùng quy hoạch.
Tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 6/1, tỉnh Đắk Nông cho biết năm 2024, tỉnh đã đạt và vượt 8 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Các vướng mắc liên quan đến bô-xít đã được tỉnh kiến nghị và phối hợp với các bộ ngành trung ương để tháo gỡ. Việc Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề cho tỉnh liên quan đến bô-xít, tạo tiền đề để địa phương khai thác tiềm năng, thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết nhiều tập đoàn trong nước đã nộp hồ sơ để đầu tư khai thác và chế biến bô-xít, với tổng số vốn đăng ký lên tới khoảng 8 tỷ USD. Theo quy hoạch của Trung ương, Đắk Nông sẽ được xây dựng thêm 4 nhà máy khai thác và chế biến bô-xít, mỗi dự án có tổng mức đầu tư không dưới 1 tỷ USD.
Với tiềm năng to lớn, Đắk Nông đang đứng trước cơ hội đột phá trong phát triển kinh tế cho năm 2025 và những năm tiếp theo. Nhiệm vụ của tỉnh là tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đưa Đắk Nông phát triển xứng tầm tiềm năng và cơ hội. Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866, Đắk Nông được xác định là địa phương đứng đầu cả nước về trữ lượng bô-xít. Việc khai thác và chế biến hiệu quả nguồn tài nguyên này hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho tỉnh và cả nước.
Tú Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)