Khoai vạc (hay còn gọi là khoai mỡ, khoai tím, củ cái, củ mỡ, củ cầm, củ đỏ, củ tía, khoai tía, khoai ngà, khoai long, khoai bướu, khoai trút, khoai ngọt… ) có tên khoa học Dioscorea alata. Ở nước ta, cây khoai vạc trồng nhiều vùng nông thôn để lấy củ ăn; củ có khi to hay rất to, nặng từ 4-50kg. Đông y gọi là Mao thử.
Khoai vạc có kích thước lớn hơn hẳn so với các loại khác, có thể nặng tới 50kg.
Khoai vạc có vỏ màu nâu xám, bên trong màu tím trong rất lạ mắt. Chúng phát triển ở các thửa ruộng tơi xốp, đất thịt, màu mỡ ở những vùng nông thôn của miền Nam nước ta như Long An, Cần Thơ... hay là các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Thông thường thì khoai mỡ được thu hoạch nhiều nhất vào cuối tháng 7 và người dân sẽ tiếp tục vụ mùa mới vào đầu tháng 8 âm lịch.
Sau khi thu hoạch, chúng được thương lái thu mua tận nơi để bán đi các tỉnh thành, nhờ đó mang về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Từ khoai vạc có thể làm thành các món như nấu chè, canh khoai vạc, nấu cháo, làm bánh...Trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, khoai vạc gắn với cuộc sống của người dân nghèo ở các miền quê. Hiện nay, thứ khoai nhà nghèo này lên đời thành đặc sản được bán ở thành phố và trên chợ mạng. Theo đó, khoai vạc được bán với giá 40.000-70.000 đồng/kg tùy thời điểm.
A. Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)