Khoảng từ 4 đến 12 triệu năm trước, ở khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, những đợt phun trào dung nham từ các miệng núi lửa đã chảy tràn qua các khu rừng chôn vùi hầu hết những cây cối tại đó. Do trong thành phần dung nham núi lửa chứa silic (SiO₂), một số cây không bị đốt cháy mà thay vào đó bị nhấn chìm trong dòng nham thạch. Trải qua hàng triệu năm, những cây này đã biến đổi thành gỗ hóa thạch tuyệt đẹp.
Ngày nay, người ta tìm thấy nhiều khúc gỗ hóa thạch trong các lớp bùn đỏ. Sau mỗi trận mưa hay lũ, từ lòng đất đỏ bazan thỉnh thoảng lại xuất hiện thêm vài khúc gỗ hóa thạch. Ở Việt Nam, loại gỗ hóa thạch này được tìm thấy nhiều nhất ở khu vực dãy núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai. Đặc biệt, tại Công viên Đồng Xanh (xã An Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) có đặt một khúc gỗ hóa thạch nặng 7,8 tấn, được gắn biển là cây gỗ hóa thạch lớn nhất Việt Nam. Khúc gỗ này có niên đại hàng triệu năm, được phát hiện tại miệng núi lửa Chư A Thai.
Hình ảnh khúc gỗ hóa thạch nặng 7,8 tấn tại Công viên Đồng Xanh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cây gỗ hóa thạch trưng bày tại Công viên Đồng Xanh chưa phải là lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, cây gỗ hóa thạch ở Gia Lai chỉ bằng khoảng 2/3 so với cây gỗ hóa thạch đặt tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (18 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Đáng chú ý, cây gỗ ở bảo tàng này có đường kính từ 1,6 - 1,8m và thậm chí có thể vẫn chưa phải là gỗ hóa thạch lớn nhất nước ta.
Bên cạnh Công viên Đồng Xanh, ở Gia Lai còn nhiều địa điểm khác trưng bày những khúc gỗ hóa thạch đã được tìm thấy. Điển hình tại Bảo tàng Gia Lai, nơi lưu giữ các hiện vật văn hóa và lịch sử của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, cũng có một gian trưng bày riêng dành cho các mẫu gỗ hóa thạch được tìm thấy ở Tây Nguyên. Đặc biệt, ngay trung tâm thành phố Pleiku, gần quảng trường Đại Đoàn Kết cũng có một khối gỗ hóa thạch khổng lồ.
Gỗ hóa thạch thường có các màu xám nâu, phớt xanh lá, phớt đỏ, vàng và xanh da trời. Đôi khi, trên bề mặt của nó còn có những họa tiết giống các đường phân chia trên đá ngọc bích hoặc đá mã não (agate). Đặc biệt, tùy thuộc vào màu sắc, gỗ hóa thạch còn được sử dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số bệnh: gỗ hóa thạch đỏ giúp chữa các bệnh liên quan đến sưng nóng, tim mạch, huyết áp, và ổn định tinh thần; gỗ hóa thạch trắng hỗ trợ các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng, hen suyễn và viêm mũi dị ứng; còn gỗ hóa thạch xanh lại phù hợp để chữa trị các bệnh về gan và mật.
Bề mặt của gỗ còn có những họa tiết giống các đường phân chia trên đá ngọc bích hoặc đá mã não (agate).
Về giá trị, gỗ hóa thạch được sánh ngang với những loại trang sức quý. Trên thực tế đã có những khúc gỗ hóa thạch được định giá lên đến hàng tỷ đồng. Điển hình như trường hợp một nông dân ở Myanmar tình cờ đào được một cây gỗ hóa ngọc dài 30,5 mét với chu vi khoảng 6 mét, có giá trị ước tính hơn 600 tỷ đồng.
Theo quan niệm phương Đông, gỗ hóa thạch là nguyên liệu quý dùng làm trang sức. Loại gỗ này có nguồn gốc từ cây bị chôn vùi trong nham thạch hàng triệu năm, dần chuyển hóa thành một dạng thạch anh cứng chắc, phù hợp để chế tác đồ mỹ nghệ. Với những khúc gỗ lớn, gỗ hóa thạch còn có thể được cắt làm bàn ghế vì không bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay mưa gió, đảm bảo độ bền lâu. Người phương Đông cũng tin rằng gỗ hóa thạch mang đến may mắn, bình an, sức khỏe và trường thọ cho người sở hữu.
Theo quan niệm phương Đông, gỗ hóa thạch là nguyên liệu quý dùng làm trang sức.
Các nhà thần học phương Tây cho rằng gỗ hóa thạch ban đầu vốn là một khúc gỗ, nhưng sau quá trình thạch anh hóa, nó đã biến thành một loại đá quý. Vì thế, gỗ hóa thạch sở hữu đặc tính từ trường rất mạnh. Ngoài Việt Nam, gỗ hóa thạch còn được tìm thấy ở Indonesia, Australia, Hoa Kỳ. Tại vùng Primorie của Nga, cũng như ở Ukraina và Armenia, có những mỏ gỗ hóa thạch quy mô lớn.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)