Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ông Lê Đức Giang đã ký quyết định phê duyệt việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên.
Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trở thành Vườn quốc gia.
Theo quyết định này, Vườn quốc gia Xuân Liên sẽ thuộc địa bàn 5 xã và thị trấn của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, gồm: xã Bát Mọt, xã Yên Nhân, xã Lương Sơn, xã Vạn Xuân và thị trấn Thường Xuân. Được biết, Vườn quốc gia này có tổng diện tích khoảng 25.600ha.
Sau khi được nâng cấp, Vườn quốc gia Xuân Liên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn hệ sinh thái rừng đặc trưng, gìn giữ sự đa dạng sinh học và bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, góp phần duy trì cân bằng tự nhiên và phát triển bền vững.
Vườn quốc gia Xuân Liên không chỉ giữ gìn nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên mà còn đẩy mạnh việc khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi rừng, góp phần nâng cao độ che phủ, đồng thời phát triển bền vững nguồn tài nguyên sinh học quý giá.
Nơi đây cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, giúp điều tiết nguồn nước cho công trình thủy lợi, thủy điện Hồ Cửa Đạt, góp phần hạn chế xói mòn, giảm nguy cơ lũ lụt và bảo vệ môi trường sinh thái.
Cây sa mu trong có đường kính 3,9m, cao 45m, tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi và được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền và giáo dục cộng đồng cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới sự phát triển bền vững.
Bên cạnh nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia Xuân Liên còn chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Như vậy, với việc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được nâng hạng, tại Thanh Hóa hiện có 2 Vườn quốc gia đó là Vườn quốc gia Bến En và Vườn quốc gia Xuân Liên. Đặc biệt, Vườn quốc gia Xuân Liên hiện có hai cây di sản là cây Pơ mu và cây Sa mu dầu, với tuổi đời trên 1.000 năm, cao to, hùng vĩ.
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, là tỉnh rộng thứ 5 cả nước. Với dân số 3,72 triệu người (theo số liệu năm 2022), Thanh Hóa là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ sau 2 Thành phố trực thuộc Trung ương là TP. HCM và Hà Nội.
Nam Tường (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)