Nhái "thương hiệu" là gì
"Thương hiệu" là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến hiện nay. Mọi người khi nhắc đến thương hiệu vẫn thường luôn đi kèm với giá trị của nó. Thương hiệu được hình thành từ quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm. Hàng hóa, dịch vụ được sử dụng rộng rãi và được nhiều công nhận thì thương hiệu sẽ trở nên nổi tiếng, có giá trị. Do đó, trường hợp này chúng ta cần xác định cụ thể họ có hành vi nhái thương hiệu thì ở đây là nhái nhãn hiệu, tên thương mại hay chỉ dẫn địa lý.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Khoản 50 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong đó có chiếm hữu, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng nhằm thu lợi bất chính.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý là mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
=> Theo đó, doanh nghiệp nhái thương hiệu (sử dụng trùng hoặc tương tự tên thương mại, nhãn hiệu được bảo hộ) là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại, là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Xử phạt hành vi nhái thương hiệu.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) thì xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền, cụ thể:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:
- Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
- Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài việc, đơn vị nhái thương hiệu có thể bị xử lý vi phạm hành chính nêu trên thì trường hợp này mình còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra (vấn đề này chị có thể xem thêm quy định tại Chương XVII Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự. Ngoài ra hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự tùy theo tính chất mức độ vi phạm theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 53 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Minh Thanh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)