Ngày nay, việc thi tuyển để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ đã trở thành một quy trình phổ biến. Ít ai ngờ rằng, hơn 2.000 năm trước, một vị vua Hùng đã lựa chọn người kế vị bằng một kỳ thi mang đậm màu sắc văn hóa và triết lý sống.
Thời đại Hùng Vương kéo dài 2.622 năm với 18 đời vua, mỗi vị đều ghi dấu ấn riêng trong lịch sử. Hùng Vương thứ 6, sau nhiều năm trị vì và dẹp yên giặc Ân, bắt đầu trăn trở về việc chọn người kế vị. Ông có tới 33 hoàng tử (quan lang) và 19 công chúa (mỵ nương), mỗi người đều có tiềm năng thừa kế ngai vàng.
Để tìm ra người tài đức vẹn toàn, Hùng Vương thứ 6 quyết định tổ chức một cuộc thi đặc biệt. Ông tuyên bố với các quan lang: "Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý. Cuối năm nay, mỗi con hãy mang đến mâm cỗ với các thứ mỹ vị để ta dâng cúng tổ tiên, làm tròn đạo hiếu. Cỗ của ai khiến ta vừa ý nhất thì sẽ được truyền ngôi".
Các quan lang ra sức tìm kiếm những món ngon vật lạ từ khắp bốn phương. Họ cử người lùng sục từ rừng sâu, núi cao đến biển cả xa xôi, với hy vọng chiếm được sự hài lòng của vua cha và đoạt lấy ngai vàng.
Trong số các hoàng tử, Lang Liêu, người con thứ 18, gặp nhiều bất lợi. Xuất thân nghèo khó, mẹ mất sớm vì bị vua cha ghẻ lạnh, ông không có nhiều bạn bè hay thuộc hạ giúp đỡ. Giữa lúc khó khăn, một đêm Lang Liêu nằm mơ thấy một vị thần hiện ra và bảo rằng: “Các vật quý trong trời đất không gì bằng gạo. Gạo do người làm ra, có thể nuôi người khỏe mạnh mà ăn không bao giờ chán. Nay hãy đem gạo nếp làm bánh, cái hình vuông, cái hình tròn để tượng trưng cho trời đất rồi dùng lá bọc ngoài, ở trong cho mỹ vị để ngụ ý công đức sinh thành lớn lao của cha mẹ”.
Tỉnh giấc, Lang Liêu vô cùng vui mừng và tâm đắc. Ông quyết định làm theo lời chỉ dẫn, chọn loại gạo nếp trắng tinh, tròn mẩy nhất để làm bánh hình vuông tượng trưng cho đất, và bánh hình tròn tượng trưng cho trời. Những chiếc bánh này không chỉ là món ăn, mà còn mang ý nghĩa về sự sinh thành, trời đất và lòng biết ơn cha mẹ. Ông gọi bánh hình vuông nhân đậu xanh, thịt lợn, bọc lá xanh là bánh chưng; còn bánh hình tròn là bánh giầy.
Hùng Vương thứ 7, tức Hùng Chiêu Vương, là vị vua duy nhất lên ngôi thông qua một hình thức thi tuyển
Đến ngày thi, các quan lang lần lượt dâng mâm cỗ. Các mâm cỗ khác đầy ắp những món ăn cầu kỳ, quý hiếm, khiến ai nấy đều trầm trồ. Riêng mâm cỗ của Lang Liêu trông đơn sơ nhất, chỉ có hai loại bánh chưng và bánh giầy. Thậm chí, những người anh em của Lang Liêu còn cười cợt và tỏ vẻ xem thường.
Tuy nhiên, trái với dự đoán, vua Hùng thứ 6 dành thời gian lâu nhất tại mâm cỗ của Lang Liêu. Ngài tỏ ra thích thú và không ngừng hỏi về ý nghĩa, cách làm của hai loại bánh. Càng nghe Lang Liêu giải thích, nhà vua càng cảm thấy tâm đắc.
Lang Liêu nói với vua cha rằng bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh giầy tượng trưng cho trời. Gạo là nguyên liệu chính làm nên bánh, là món ăn nuôi sống con người, là sự kết tinh của công lao động và là vật phẩm thiêng liêng, thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, đất trời và cha mẹ.
Cảm động trước trái tim hiểu đạo, ý niệm sâu sắc và tình yêu thương con người của Lang Liêu, Hùng Vương thứ 6 quyết định truyền ngôi cho ông. Lang Liêu trở thành Hùng Vương thứ 7, hay còn gọi là Hùng Chiêu Vương.
Câu chuyện về Lang Liêu lên ngôi nhờ bánh chưng, bánh giầy không chỉ là một truyền thuyết đẹp, mà còn để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều bài học quý báu. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc, tôn vinh lòng hiếu thảo, sự biết ơn tổ tiên và sự sáng tạo.
Lang Liêu là tấm gương về sự kiên cường, vượt khó để đạt mục tiêu. Dù xuất thân nghèo khó, ông vẫn trở thành một vị vua tài ba, lãnh đạo dân tộc.
Bánh chưng, bánh giầy đã trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đến ngày nay, những chiếc bánh này vẫn là món ăn quen thuộc trong các dịp lễ, Tết, giữ vững giá trị văn hóa, kết nối các thế hệ và thể hiện lòng biết ơn tổ tiên.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)