Nhìn chung, ứng viên bị “làm lơ” là do một số yếu tố chủ quan cả khách quan. Nếu biết nguyên nhân thực sự, bạn sẽ biết cách sửa lỗi và rút kinh nghiệm cho những lần ứng tuyển sau được kết quả tốt hơn.
CV của bạn không ấn tượng
Có thể bạn chưa biết cách viết CV hoặc dùng một CV tiếng Việt mẫu cho nhiều vị trí ứng tuyển. Đây là lỗi phổ biến mà nhiều ứng viên mắc phải. Nhà tuyển dụng mong muốn tìm được ứng viên tiềm năng phù hợp và có khí chất riêng. Dùng một CV cho nhiều vị trí cũng cho thấy sự thụ động, lười suy nghĩ và không thực sự khao khát công việc. Tất nhiên đây cũng là lí do CV của bạn “thiếu cá tính” và dễ bị bỏ qua ngay từ đầu.
Một số ứng viên nghĩ rằng CV chỉ cần ghi đầy đủ thông tin về bản thân, học vấn, kinh nghiệm… là được. Thực tế để có bản CV ấn tượng bạn phải nghiên cứu và lựa chọn thông tin một cách thông minh, làm nổi bật điểm mạnh, đồng thời gợi sự phù hợp giữa đặc điểm/ tố chất ứng viên và công việc.
Để làm được điều này, bạn cần nghiên cứu kỹ thông tin về công ty và tiêu chí tuyển dụng để chọn lọc làm nổi bật điểm quan trọng. CV cần đảm bảo độ dài hợp lí, không dài dòng, lan man mà vẫn tập trung vào các nội dung chính.
Bạn không gửi kèm thư xin việc
Thông thường CV sẽ đi kèm với thư xin việc. Thư xin việc như là một lời giới thiệu gợi mở đầy thiện chí của ứng viên gửi đến nhà tuyển dụng. Qua thư xin việc, ứng viên có cơ hội chia sẻ lí do ứng tuyển và một số điểm mạnh đặc biệt của bản thân đồng thời bày tỏ mong muốn được ứng tuyển vào vị trí cụ thể.
Tuy nhiên một số ứng viên không quá lưu tâm đến vấn đề này. Khi ứng tuyển chỉ nộp CV mà không kèm thêm thư xin việc dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp. Hơn thế nhà tuyển dụng khó để hình dung bạn một cách toàn diện. Như vậy cơ hội được gọi phỏng vấn sẽ thấp hơn so với việc bạn chuẩn bị chu đáo cho cả CV và thư xin việc.
Trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được
Trước khi ứng tuyển vị trí nào đó, bạn nên xem xét liệu bản thân có đáp ứng được trình độ chuyên môn hay không.
Một số ứng viên thường sẽ chọn công việc quá cao so với năng lực của mình. Điều này không phải là sai nhưng cơ hội tạo được ấn tượng rất thấp. Đây cũng là lí do nhà tuyển dụng không hồi âm CV của bạn.
Vì vậy bạn nên chọn công việc phù hợp với trình độ chuyên môn và kỹ năng của mình. Khi làm đúng công việc, bạn cũng sẽ thoải mái làm việc và có thể đạt được thành quả nhất định. Sau đó bạn từ từ nâng cấp bản thân, rèn luyện từng ngày để từng bước trở nên giỏi hơn, phù hợp với công việc yêu cầu cao hơn.
Bạn chưa đủ kinh nghiệm theo yêu cầu
Rất nhiều công việc yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm. Thời gian cụ thể thường 1 năm, 2 năm, 3 năm… Trong trường hợp bạn chưa đi làm hoặc chưa tham gia một dự án, công việc ngắn hạn nào đó thì bị rớt là chuyện bình thường.
Mẹo là bạn có thể xin các công việc cộng tác, các dự án ngắn hạn hoặc bắt đầu với công việc không yêu cầu kinh nghiệm. Sau một thời gian làm việc và trải nghiệm đủ, bạn có thể ứng tuyển công việc mình mong muốn để thực hiện mục tiêu.
Bạn không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp
Khi lựa chọn ứng viên, nhà tuyển dụng đánh giá các tiêu chí như chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, thành tích, điểm mạnh… Tuy nhiên có một lưu ý đặc biệt quan trọng nữa đó là sự phù hợp với văn hóa. Khi ứng tuyển, bạn nên tìm hiểu về văn hóa công ty và các tiêu chí mà họ mong đợi từ ứng viên để từ đó lựa chọn cách thể hiện phù hợp nhất.
Công ty thay đổi kế hoạch tuyển dụng
Trong rất nhiều trường hợp ứng viên không nhận được cuộc gọi phỏng vấn vì lí do khách quan, đó là công ty thay đổi kế hoạch tuyển dụng. Chẳng hạn dự án bị trì hoãn hay luân chuyển nhân sự nên không cần thêm người…
Có rất nhiều lí do để nhà tuyển dụng không hồi âm dù bạn đã miệt mài ứng tuyển. Bạn đừng vội nản chí mà hãy cố gắng cải thiện những điều còn thiếu sót. Tin rằng, với sự nỗ lực và nhiệt tình, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và cơ hội tìm được việc làm sẽ rộng mở hơn.
HX (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)