Nam Phương Hoàng hậu là vợ Vua Bảo Đại. Bà sinh ngày 4/12/1914 tại huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Công giáo giàu có. Bà là con gái của Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại của đại điền chủ Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), một trong 4 người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Từ nhỏ, bà và chị gái đã được cha mẹ cưng chiều hết mực, có cuộc sống an nhàn. Năm 12 tuổi, bà được gia đình gửi sang Pháp và theo học ở trường Couvent des Oiseaux - một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Tháng 9/1932, sau khi đỗ tú tài toàn phần (tương đương với việc tốt nghiệp THPT hiện nay), bà về Việt Nam.
Nguyễn Hữu Thị Lan và Vua Bảo Đại gặp nhau lần đầu tại Đà Lạt. Nổi tiếng xinh đẹp, nên ngay từ lần gặp đầu tiên, bà khiến nhà vua say đắm. Vua quyết định hỏi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan, bất chấp khác biệt tôn giáo và sự ngăn cản từ gia đình.
Khi kết hôn cùng vua Bảo Đại, Nguyễn Hữu Thị Lan mới vừa ngoài 20 và được phong hoàng hậu ngay sau lễ cưới tại điện Dưỡng Tâm với tước vị Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một biệt lệ vì 12 đời vua trước của nhà Nguyễn, các bà chánh cung chỉ được phong tước hoàng quý phi, đến khi chết mới được truy phong hoàng hậu. Ngoài ra, vua Bảo Đại còn ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà Nam Phương được phục sức màu vàng - là màu chỉ dành riêng cho hoàng đế.
Nói về tôn hiệu "Nam Phương", vua Bảo Đại chia sẻ: "Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê".
Trong suốt khoảng thời gian tại vị, Nam Phương hoàng hậu ảnh hưởng lớn đến công cuộc trị vì của vua Bảo Đại, góp phần giúp đỡ người dân lúc bấy giờ. Bằng học thức và tài năng, Nam Phương hoàng hậu hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Bà trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân.
Nhiều giai thoại chép, trong số các bà hoàng của chế độ phong kiến Việt Nam, Nam Phương Hoàng hậu là người duy nhất 3 lần giành vương miện Hoa hậu trong các cuộc thi sắc đẹp Đông Dương được tổ chức vào thập niên 30 của thế kỷ 20.
Tuy nhiên, theo một số nhà sử học, thời đó chưa có một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức quy củ. Ngôi hậu này chỉ là danh vị gắn với người đẹp. Chữ “hoa hậu” đôi khi được dùng thay cho từ người phụ nữ đẹp.
Sau nhiều năm chung sống, Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại có với nhau 5 người con, 2 hoàng tử và 3 công chúa. Năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn, Nam Phương hoàng hậu một mình cô đơn tại cung An Định (Huế) để lo cho các con. Đến năm 1947, bà đưa các con sang Pháp định cư và dành những năm tháng cuối đời ở nơi đất khách.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)