Ở Việt Nam, các trường học, đường phố thường được đặt tên theo các nhân vật lịch sử. Việc này có nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, để tri ân công lao của các nhân vật lịch sử đối với nhân dân và dân tộc. Thứ hai, hành động này nhằm góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
THCS Chu Văn An, Long Biên
Tại Hà Nội, có một vị danh nhân được đặt tên cho tận 10 ngôi trường, từ cấp Mầm non cho đến THPT, bạn có biết đó là ai không? Đáp án chính là Chu Văn An. Cụ thể, những ngôi trường mang tên Chu Văn An ở Hà Nội có thể kể đến như sau:
1. Mầm non Chu Văn An (Công lập, 17-19 phố Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ)
2. Tiểu học Chu Văn An (Công lập, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai)
3. Tiểu học Chu Văn An A (Công lập, 130 Thuỵ Khuê quận Tây Hồ)
4. Tiểu học Chu Văn An (Công lập, 260 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ)
5. Tiểu học Chu Văn An (Ngoài Công lập, phường La Khê, quận Hà Đông)
6. THCS Chu Văn An (Công lập, Khu tái định cư Giang Biên, quận Long Biên)
7. THCS Chu Văn An (Công lập, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì)
8. THCS Chu Văn An (Công lập, 17 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ)
9. THPT Chu Văn An (Công lập, 10 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ)
10. Liên cấp Chu Văn An (Ngoài Công lập, số 5 đường Kim Chung, thôn Bầu, zã Kim Chung, huyện Đông Anh)
Nói thêm về Chu Văn An, ông sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An "tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc". Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, "học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa".
Tranh vẽ thầy giáo Chu Văn An
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam viết Chu Văn An là thầy giỏi nhưng nghiêm khắc, trọng tài năng của học trò và ghét những người cậy giàu ham chơi. Học trò của ông có nhiều người giỏi, có công giúp nước như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, hai quan lớn của triều Trần. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)