Hình thức trừng trị này đã được ghi vào văn bản luật từ đầu triều Tống. Ban đầu, với ý định đưa phạm nhân tới vùng biên cương để gia tăng binh sĩ, sau đó là tăng thêm sức lao động sản xuất. Vào triều đại nhà Minh, hình thức lưu đày thường dùng phổ biến nhất khi trừng phạt kẻ phạm tội. Thông thường các phạm nhân được đưa đi lưu đày ở vùng biên giới phía Nam hoặc phía Bắc, Trung Quốc, nhưng cũng có người bị đày ra hải đảo.
Vào thời phong kiến, khi có tù nhân bị xử án lưu đày, người chịu trách nhiệm áp giải họ sẽ là các nha dịch. Nhiệm vụ của những người này vừa là giám sát tù nhân đồng thời cũng quản lý cuộc sống sinh hoạt của họ trên suốt đường đi. Việc bị lưu đày này quả nhiên là sự tra tấn dã man đối với các phạm nhân thế nhưng đối với các nha dịch mà nói, áp giải phạm nhân lưu đày lại là công việc được các nha dịch tranh nhau để được thi hành, đặc biệt khi phạm nhân bị xử tội là nữ.
Nguyên nhân xuất phát từ một vài lý do dưới đây.
Thêm thời gian tự do
Trong hệ thống phân cấp xã hội cổ đại trong "Đường luật" hay "Đại Minh hội điển", cấp bậc của nha dịch rất thấp, bổng lộc không nhiều, thậm chí là không đủ ăn. Bởi vậy, việc làm nhiệm vụ áp giải tù nhân đối với nha dịch không chỉ cho họ thêm thêm một khoản trợ cấp mà còn có thêm thời gian tự do, không bị sai bảo bởi các quan lớn.
Tăng thu nhập bằng tiền hối lộ
Vào thời cổ đại, án lưu đày thường là hình thức xử phạt dành cho những người có địa vị nhất định trong xã hội, có thể là vợ hoặc con của quan chức triều đình. Vì họ vốn sở hữu thể trạng yếu đuối nên thân nhân thường sẽ bỏ tiền hối lộ để đảm bảo sự bình an cho những người này. Và số tiền đút lót đó đa số đều vào túi đám nha dịch chịu trách nhiệm áp giải. Bởi vì các nữ phạm nhân trên đường đi không dễ chịu khổ, sẽ cần tới sự bảo vệ, chiếu cố của những người đi cùng, cho nên việc áp giải họ ít nhiều vẫn có thể trở thành một mối kiếm lời cho tầng lớp sai nha thời bấy giờ.
Dễ dàng trông coi
Các nữ phạm nhân thể trạng yếu đuối, đi đường cả ngày dài đã tiêu tốn gần hết sức lực, về cơ bản gần như không có khả năng bỏ trốn thành công trên đường áp giải. Hơn nữa đa số họ đều mang trong mình tâm lý sợ sệt. Vì thế họ càng không dám bỏ trốn nếu cân nhắc tới hậu quả trong trường hợp bị bắt lại. Ngoài ra, nếu nữ phạm nhân xuất thân từ các gia đình giàu có, họ thậm chí còn chuẩn bị xe ngựa cho đoàn áp giải đi lại thuận tiện hơn.
Ý đồ mờ ám
Một số nha dịch có dã tâm bất lương sẽ tìm cách để thừa cơ làm khó, thậm chí "sàm sỡ" với các nữ phạm nhân trên đường áp giải. Giờ đây đang mang trên mình thân phận tù nhân, những người này cũng khó có cơ hội phản kháng hay tố cáo. Điều đó càng tạo cơ hội nha dịch thừa cơ làm càn.
Dương Huyền (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)