Đặc sản Việt Nam gây thương nhớ với hương vị độc đáo, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Nhờ thế, ẩm thực Việt là một trong những yếu tố thu hút đông đảo du khách bốn phương. Trong đó có những đặc sản gắn với địa danh tỉnh. Nhiều người thắc mắc những đặc sản nổi tiếng như bánh cáy Thái Bình, vải thiều Lục Ngạn... sẽ thay đổi ra sao sau khi hoàn tất việc sáp nhập tỉnh?
Vải thiều Lục Ngạn
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là vùng đất nổi danh với vải thiều – loại quả không nơi nào có thể sánh bằng. Vải thiều Lục Ngạn khi chín có màu đỏ tươi, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt sắc, giàu dưỡng chất.
Đặc sản này không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác. Với hương vị thơm ngon tự nhiên, vải thiều không chỉ là lựa chọn hoàn hảo cho bữa ăn hàng ngày mà còn là nguyên liệu tuyệt vời cho món tráng miệng, đồ uống giải nhiệt. Hơn thế, loại quả này còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe nhờ chứa chất chống oxy hóa, chất xơ và các dưỡng chất thiết yếu.
Vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) nổi tiếng thơm ngon (Ảnh minh họa).
Bánh cáy Thái Bình
Hay chẳng hạn, nhắc đến Thái Bình không thể bỏ qua món bánh cáy – thức bánh dân dã nhưng mang hương vị đặc trưng, từng được dùng làm sản vật tiến vua.
Bánh cáy có nguồn gốc từ làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, với sự hòa quyện của vị ngọt, bùi, béo, giòn, dẻo dai. Đặc biệt, khi thưởng thức cùng trà xanh nóng trong tiết trời se lạnh, vị cay nhẹ của gừng trong bánh kết hợp với vị ấm của trà sẽ tạo nên trải nghiệm đầy khoan khoái.
Nguyên liệu làm bánh cáy bao gồm gạo nếp, vừng, lạc, kết hợp với các loại lá, quả để tạo màu sắc tự nhiên. Để có được hương vị thơm ngon, nguyên liệu phải được chọn lọc kỹ càng: nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, vừng, lạc rang vàng, mỡ phần, cơm dừa ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha và tinh dầu hoa bưởi. Quá trình chế biến cũng đòi hỏi nhiều công đoạn công phu, với mỗi nguyên liệu đều có cách xử lý riêng biệt.
(Ảnh minh họa)
Phở bò Nam Định
Hay như phở bò Nam Định – từ lâu đã khẳng định vị thế trong nền ẩm thực Việt Nam. Người Nam Định mang nghề nấu phở đi khắp mọi miền, góp phần xây dựng thương hiệu phở Nam Định nổi tiếng. Việc phở Nam Định được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn góp phần phát triển du lịch, kinh tế, đồng thời khuyến khích bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của món ăn này.
Nhờ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều đặc sản địa phương đã được nâng tầm. Đến cuối năm 2024, cả nước có hơn 12.000 sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng, trong đó 73,9% đạt 3 sao, 24,7% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao. Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu với 30,7% tổng số sản phẩm, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long (18,3%), miền núi phía Bắc (16,8%) và Đông Nam Bộ (5,8%).
(Ảnh minh họa)
Những đặc sản này không chỉ gắn liền với lịch sử phát triển của mỗi vùng đất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương. Tuy nhiên, khi có chủ trương sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh, nhiều người đặt câu hỏi liệu những đặc sản, món ăn như tương Bần Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn, bánh cáy làng Nguyễn, phở bò Nam Định… sẽ được gọi tên ra sao?
Chuyên gia giải đáp
Về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, dù có sáp nhập địa phương thì tên làng vẫn còn đó, các đặc sản vẫn nguyên vẹn, thậm chí còn có cơ hội phát triển mạnh hơn nhờ tập hợp được nguồn lực.
"Có thể trên nhãn hiệu, bao bì của một sản phẩm, tên xã, tên tỉnh có thể thay đổi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhưng tôi tin rằng hồn cốt trong từng đặc sản địa phương, giá trị văn hóa của từng sản phẩm sẽ được lưu giữ và phát triển. Bánh cáy vẫn mãi là một đặc sản của làng Nguyễn (Thái Bình), trong khi phở bò luôn là niềm tự hào của người Nam Định.
Những cái tên đã được định vị trên bản đồ đặc sản Việt Nam chắc chắn sẽ không bao giờ mai một nếu người dân vẫn một lòng giữ gìn, phát huy chúng trong thời đại mới", chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)