Theo quy định tại Việt Nam, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở đều bị xử phạt nghiêm khắc. Cụ thể, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 80mg/100ml, mức phạt cao nhất đối với người lái xe máy là từ 8 - 10 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Với người điều khiển ô tô, mức phạt lên tới 30 - 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong cùng khoảng thời gian.
Uống bao nhiêu cốc bia có thế khiến nồng độ cồn đạt đến mức phạt kịch khung là băn khoăn của nhiều người (Ảnh minh họa)
Bao nhiêu cốc bia có thể dẫn đến mức phạt kịch khung?
Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng rượu và Nghiện rượu Mỹ (NIAAA), mức độ ảnh hưởng của bia rượu lên cơ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Cân nặng: Người có trọng lượng lớn hơn thường có lượng nước trong cơ thể cao hơn, giúp pha loãng cồn, làm chậm quá trình tăng nồng độ cồn trong máu.
- Giới tính: Phụ nữ có xu hướng đạt mức nồng độ cồn trong máu cao hơn nam giới khi uống cùng một lượng bia rượu, do sự khác biệt về thành phần cơ thể.
- Tốc độ chuyển hóa cồn: Gan con người có thể xử lý trung bình 10g cồn mỗi giờ, nhưng tốc độ này có thể thay đổi tùy vào tình trạng sức khỏe, di truyền và lượng thức ăn tiêu thụ trước đó.
Theo nghiên cứu, một đơn vị cồn được tính là 14g cồn nguyên chất, tương đương với 355ml bia (5%), 150ml rượu vang (12%) hoặc 44ml rượu mạnh (40%).
Với người trưởng thành nặng khoảng 70kg, nếu uống 3 - 4 đơn vị cồn (tương đương 3 - 4 cốc bia) trong 2 giờ, nồng độ cồn trong máu có thể đạt mức 80mg/100ml - ngưỡng bị xử phạt nặng. Người nặng 60kg có thể chỉ cần 2 - 3 cốc bia để đạt mức BAC này. Người nặng 80kg có thể cần 4 - 5 cốc bia để chạm ngưỡng nguy hiểm.
Những yếu tố làm tăng nhanh nồng độ cồn trong máu
Mặc dù có những công thức tính toán lý thuyết, thực tế mức độ hấp thụ và chuyển hóa cồn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố:
- Uống khi bụng đói: Làm cồn hấp thụ nhanh hơn, khiến BAC tăng đột ngột.
- Uống liên tục trong thời gian ngắn: Khiến gan không kịp xử lý, làm nồng độ cồn trong máu tăng nhanh.
- Tình trạng sức khỏe: Những người mắc bệnh gan hoặc đang sử dụng thuốc có thể chuyển hóa cồn chậm hơn, làm BAC duy trì ở mức cao lâu hơn.
Việc kiểm soát lượng bia rượu tiêu thụ trước khi lái xe không chỉ giúp tránh các mức phạt nghiêm khắc mà quan trọng hơn, còn đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Các chuyên gia khuyến cáo, cách duy nhất để không vi phạm nồng độ cồn là không uống rượu bia khi lái xe.
Hạ Tú (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)