Tổng cục Thống kê vừa công bố Niên giám thống kê 2023, trong đó, ghi nhận tuổi thọ của người dân Việt Nam tăng mạnh trong năm qua. Theo số liệu sơ bộ công bố, năm 2023, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt đạt 74,5 tuổi, tăng gần 1 tuổi so với năm 2022. Trong đó, đàn ông Việt tăng 1 tuổi, còn nữ tăng 0,8 tuổi.
Liên tục từ năm 2019 đến 2022, tuổi thọ trung bình của người Việt dao động từ 73,6-73,7 tuổi; phụ nữ nước ta sống lâu hơn đàn ông khoảng 5,3 năm. Riêng năm 2023, tuổi thọ của phụ nữ Việt bật tăng lên 77,2 tuổi, trong khi nam giới cũng tăng lên 72,1 tuổi. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đánh giá "tuổi thọ người Việt cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người”.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, người dân thành thị có tuổi thọ cao hơn nông thôn, lần lượt là 76,8 và 74,3. Đáng chú ý, nhiều năm liền, tuổi thọ người thành thị không tăng nhiều trong khi người dân nông thôn tăng 1,6 năm tuổi thọ trong 4 năm, từ 72,7 (năm 2020) lên 74,3 (2023).
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đạt 74,5 (số liệu năm 2023)
Phân theo vùng, Đông Nam bộ (như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai...) là khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất nước (76,3 tuổi), thấp nhất là Tây Nguyên: 72 tuổi. Vùng Đồng bằng sông Hồng (như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh,...), tuổi thọ trung bình của người dân là 75,7 (cao hơn năm ngoái 0,5 năm).
Tính theo địa phương, TPHCM là địa phương người dân có tuổi thọ cao nhất nước với 76,5 tuổi; tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, lần lượt là 76,4 và 76,3 tuổi. Người dân Hà Nội có tuổi thọ trung bình là 76,1 - mức cao so với trung bình cả nước.
Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum là ba tỉnh có tuổi thọ người dân thấp nhất cả nước, lần lượt là 69,9 - 69,8 và 69,7. Dù vậy, so với năm 2022, mức tuổi thọ của 3 tỉnh này năm 2023 đã có bước tăng đáng kể. Đơn cử, tuổi thọ người Kon Tum tăng tới 1,7 năm (từ 68 lên 69,7); Điện Biên tăng 1,5 năm (từ 68,4 lên 69,9), cao hơn mức tăng trung bình cả nước.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)