Theo số liệu về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023 của Tổng Cục Thống kê, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 là 100,3 triệu người, tăng 834,8 nghìn người, tương đương tăng 0,84% so với năm 2022. Trong tổng số, nam là 50 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 50,3 triệu người, chiếm 50,1%. Tỷ số giới tính của dân số là 99,5 nam/100 nữ.
Chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm mạnh và cơ bản duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Tỷ lệ tử vong vẫn duy trì ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng do những thành tựu phát triển của y học và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện.
Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi.
Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai. Tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước.
Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Người cao tuổi Việt Nam mắc rất nhiều bệnh. Mỗi người cao tuổi trung bình chịu đựng 14 năm sau của cuộc đời với nhiều bệnh tật phối hợp.
Cụ thể, trung bình một người trên 60 tuổi mắc 3-4 bệnh, đặc biệt, những người trên 80 tuổi có thể mắc trên 6 bệnh. Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Ngoài bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn có sức khỏe yếu kém phải phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của người chăm sóc, dụng cụ hỗ trợ trong cuộc sống.
Bộ Y tế đưa ra 3 yếu tố quan trọng dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao.
Thứ nhất, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Thứ 2, sự gia tăng nhanh của gánh nặng bệnh không lây nhiễm.
Thứ 3, sự gia tăng các yếu tố nguy cơ về môi trường.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)