Đeo khăn tang là một trong những tục quan trọng được ông cha ta để lại. Người đeo khăn tang thường là những người thân thích hoặc trừ một số trường hợp đặc biệt làm đại diện người thân cho người đã khuất.
Đa số người thân trong gia đình gần xa có họ hàng huyết thống đều phải đeo khăn tang khi người thân mất. Đặc biệt, đối với mỗi mối quan hệ thì sẽ có màu sắc, đeo khác nhau. Sự phân biệt thứ bậc trong đeo khăn tang còn gọi là năm hạng tang phục.
Mới đây, hình ảnh đám tang của một cụ cố 96 tuổi ở Huế gây chú ý trên mạng xã hội. Cụ thể, trong đám tang, các con, cháu, anh chị em của người đã mất đeo khăn tang màu trắng. Chắt đeo khăn tang vàng, chút đeo khăn tang đỏ và chít đeo khăn tang tím.
Chắt đeo khăn tang vàng, chút đeo khăn tang đỏ và chít đeo khăn tang tím.
Qua hình ảnh, nhiều người bình luận cho biết họ hiếm khi thấy khăng tang màu tím, bởi hiếm ai trong gia đình sống thọ đến tuổi gần 100 và may mắn đã có chít.
Cư dân mạng bình luận về câu chuyện.
Ý nghĩa của việc đeo khăn tang
Tục lệ đeo tang là để thể hiện lòng thành kính và tĩnh nghĩa, lòng xót thương của người sống đối với người đã khuất. Chính vì vậy mà đeo khăn tang cũng cần có lòng thành kính, người được chịu tang không có lòng thành thì việc để tang cũng không còn ý nghĩa của nó.
Đặc biệt, đối với gia đình, việc đeo khăn tang khi người thân mất là thể hiện niềm an ủi, sự thương nhớ đối với người thân. Một số trường hợp đeo khăn tang còn thể hiện tình thương gắn kết giữa bạn bè, do đó việc đeo khăn tang ngày nay cũng không còn quá bó buộc so với những thời đại trước.
Khi con cái mất trước cha mẹ thì có để tang không?
Sự ra đi của bất cứ ai trong gia đình đều được xem là nỗi đau thương vô hạn và ghi dấu ấn đậm sâu trong lòng người đang sống. Chính vì vậy, hiện nay khi con cái mất thì cha mẹ cũng có thể choàng khăn tang trắng lên cổ để thể hiện được lòng thương tiếc.
Một số khu vực còn quan niệm có từ xa xưa chính là cha mẹ là người sinh thành và nuôi lớn con cái. Việc con cái mất trước cha mẹ được xem là tội bất hiếu, bởi công dưỡng dục chưa kịp được báo hiếu và chạy trốn nợ đời và bỏ lại cha mẹ ở trần gian. Chính vì vậy nên khi khâm liệm thì người nhà sẽ quấn trên đầu thi thể vòng khăn tang.
Điều này thể hiện việc con cái ở dưới cõi âm cũng phải để tang để báo hiếu sẵn cho người còn sống. Tuy nhiên hiện nay đa số đều thực hiện quấn khăn tang lên di ảnh.
Còn đối với thời gian để tang thì thông thường người chịu tang phụ thuộc vào mối quan hệ mà có thể để tang ngắn như: 49 ngày, 3 tháng, 6 tháng hay thậm chí nhiều hơn như 1-3 năm.
Khi còn đang chịu tang thì quan niệm rằng chúng ta không nên thực hiện một số dự định hoặc kiêng kỵ một số điều trong cuộc sống. Điều này giúp giảm các điều không may mắn đối với những người đang sống.
Khi thực hiện nghi thức xả tang thì có ý nghĩa thông báo cho tất cả mọi người biết đã hết thời gian chịu tang. Đặc biệt, thực hiện nghi thức xả tang để mong cầu cho người đã khuất được yên nghỉ, siêu thoát.
Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)