Bảo hiểm xe máy có mấy loại?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, có 02 loại bảo hiểm xe máy:
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc xe máy: Là loại bảo hiểm bắt buộc chủ xe máy, xe mô tô phải có khi tham gia giao thông theo quy định của Nhà nước. Khi có tai nạn xảy ra, bảo hiểm TNDS sẽ bồi thường thiệt hại cho người bị tai nạn do lỗi của chủ xe cơ giới (chứ không phải bồi thường cho chủ xe). Người bị tai nạn sẽ được bảo hiểm chi trả quyền lợi bồi thường cho những thiệt hại về người và tài sản do lỗi của chủ phương tiện gây ra theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia bảo hiểm sẽ không phải tự mình đền bù thiệt hại.
Ảnh minh họa.
- BH xe máy tự nguyện: Là loại bảo hiểm không bắt buộc. Người tham gia giao thông có thể mua thêm nhằm mang lại quyền lợi chi trả bồi thường tài chính về tài sản hoặc người ngồi trên xe (bao gồm chủ xe và người đi cùng) khi gặp tại nạn, sự cố cháy nổ hoặc trộm cướp. Tùy vào loại hợp đồng bảo hiểm được ký giữa người mua và công ty bảo hiểm, đối tượng áp dụng, phạm vi trách nhiệm và mức bồi thường sẽ được quy định trong hợp đồng.
Từ năm 2025: Không có bảo hiểm xe máy bắt buộc sẽ không còn bị xử phạt, đúng không?
Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/ QH15 có hiệu lực vẫn không bỏ quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe. Khoản 1 Điều 56 của Luật này quy định liên quan tới giấy tờ khi tham gia giao thông của lái xe như sau:
1. Người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định của pháp luật; có giấy phép lái xe đang còn điểm, còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ người lái xe gắn máy quy định tại khoản 4 Điều này. Khi tham gia giao thông đường bộ, người lái xe phải mang theo các giấy tờ sau đây:
a) Chứng nhận đăng ký xe hoặc bản sao Chứng nhận đăng ký xe có chứng thực kèm bản gốc giấy tờ xác nhận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài còn hiệu lực trong trường hợp xe đang được thế chấp tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển;
c) Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật;
d) Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Như vậy cho đến nay thì Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc vẫn là giấy tờ bắt buộc cần có khi tham gia giao thông. Sang năm 2025, Luật mới có hiệu lực cũng vẫn yêu cầu này. Việc xóa bỏ loại giấy tờ này chỉ là đề xuất của cử tri TPHCM đã kiến nghị lên Bộ tài chính chứ chưa có sự phê duyệt nào. Do đó người dân có xe cơ giới vẫn cần phải mua loại bảo hiểm này.
Ảnh minh họa.
Mức xử phạt khi không có bảo hiểm bắt buộc
Khi CSGT dừng xe kiểm tra mà người dân không xuất trình được giấy tờ bảo hiểm xe thì có thể bị xử phạt theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới như sau:
"2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực".
Như vậy mức xử phạt sẽ ở khung 100-200.000 đồng và không có hình phạt bổ sung.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)