Đăng ký xe là giấy tờ pháp lý quan trọng, chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của một cá nhân hoặc tổ chức đối với phương tiện giao thông. Theo quy định, mỗi chiếc xe khi lưu thông trên đường đều bắt buộc phải có giấy đăng ký xe và gắn biển số theo đúng quy định của pháp luật. Khi có các giao dịch chuyển nhượng, mua bán, cho tặng xe, chủ xe phải thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ để đảm bảo tính hợp pháp. Vậy, việc mượn xe có bị xử phạt?
Cho người thân mượn xe sẽ bị tịch Đăng ký xe? (Ảnh minh hoạ)
Không có "lỗi xe không chính chủ", chỉ có lỗi "không sang tên đổi chủ"
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, không có khái niệm "lỗi xe không chính chủ". Thực tế, pháp luật quy định xử phạt đối với hành vi "không làm thủ tục đăng ký sang tên xe" khi có sự chuyển giao quyền sở hữu. Do đó, nếu người dân mua bán, cho tặng xe nhưng không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ, khi bị CSGT kiểm tra sẽ bị xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp mượn xe, nếu người điều khiển phương tiện có đầy đủ các giấy tờ theo quy định như: Giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng kiểm, bảo hiểm bắt buộc, và các giấy tờ tùy thân hợp lệ, đồng thời không vi phạm luật giao thông thì sẽ không bị CSGT xử phạt lỗi "không sang tên đổi chủ". Điều quan trọng là, người điều khiển xe cần đảm bảo tuân thủ luật giao thông và mang đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông
Để không bị CSGT xử phạt trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần xuất trình đầy đủ các loại giấy tờ sau:
(Ảnh minh hoạ)
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người điều khiển phương tiện.
- Giấy đăng ký xe.
- Giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện điều khiển.
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của xe máy hoặc ô tô.
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với ô tô).
Mức phạt lỗi không sang tên đổi chủ từ năm 2025
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục sang tên xe (hay còn gọi là "lỗi xe không chính chủ") được quy định như sau:
(Ảnh minh hoạ)
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức.
- Đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức.
Như vậy, thông tin cho rằng vợ chồng, anh em, bạn bè mượn xe của nhau sẽ bị tịch thu giấy đăng ký xe là hoàn toàn sai sự thật và không có căn cứ pháp lý. Người dân cần nắm rõ quy định của pháp luật, đảm bảo mang đầy đủ giấy tờ khi tham gia giao thông, và thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ khi có chuyển nhượng quyền sở hữu phương tiện để tránh các phiền phức không đáng có.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)