Mức xử phạt ngồi trên xe máy cầm ô (dù), có thể lên tới 14 triệu đồng?
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi người ngồi trên xe máy cầm theo ô (dù) như sau:
Điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 168 quy định
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù);
Điểm đ khoản 4 Điều 7 Nghị định 168 quy định:
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
đ) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 13 của Điều 7 thì hành vi điều khiển xe máy mà dùng ô (dù) thì còn bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
Cầm ô (dù) khi đi xe máy có thể bị CSGT phạt tới 14 triệu đồng. Ảnh minh họa
Khoản 10 Điều 7 Nghị định 168 quy định:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông;
b) Vi phạm quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 1; điểm c, điểm đ, điểm g khoản 2; điểm b, điểm e, điểm g, điểm h, điểm k khoản 3; điểm đ khoản 4; điểm c, điểm d khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a, điểm b, điểm h, điểm k khoản 9 Điều này.
Như vậy nếu người đi xe máy cầm theo ô (dù) hoặc chở người ngồi sau cầm ô (dù) mà gây ra tai nạn thì mức phạt hành chính tăng lên 10-14 triệu đồng. Nghĩa là nếu hành vi cầm theo ô (dù) chưa gây ra tai nạn thì mức phạt dưới 1 triệu đồng như quy định tại khoản 1 và 4 còn nếu gây ra tai nạn thì mức phạt sẽ là 10-14 triệu đồng tùy tính chất nghiêm trọng của vụ tai nạn.
Đi xe đạp cầm ô dù cũng bị CSGT xử phạt
Hành vi cầm ô (dù) cũng không được chấp nhận cho người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy. Bởi với tốc độ và thiết kế của xe đạp xe đạp máy cũng khiến cho việc cầm ô (dù) cản trở giao thông, làm mất lái, làm ô dù bay khỏi tay rơi vào người khác. Điều đó làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Đi xe đạp cầm ô dù cũng bị CSGT xử phạt. Ảnh minh họa
Do đó Nghị định 168 cũng quy định xử phạt 100-200 nghình đồng với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), hoặc chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù);
K.Hoàng (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)