Xe đạp điện được chở tối đa bao nhiêu người? Người ngồi sau xe đạp điện có cần đội mũ bảo hiểm không?
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 3 Điều 31 Luật Trật tự an toàn giao thông 2024 quy định về người điều khiển, người được chở trên xe thô sơ như sau:
Người điều khiển, người được chở, hàng hóa xếp trên xe thô sơ
1. Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 07 tuổi thì được chở tối đa hai người.
2. Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy không được thực hiện các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này; người được chở trên xe đạp, xe đạp máy khi tham gia giao thông đường bộ không được thực hiện các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật này.
Theo quy định, xe đạp điện chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 07 tuổi thì được chở tối đa hai người. (Ảnh minh họa).
3. Người điều khiển, người được chở trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cài quai đúng quy cách.
4. Người điều khiển xe thô sơ chỉ được cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi tham gia giao thông đường bộ trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau phải sử dụng đèn hoặc có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe.
Theo đó, xe đạp điện chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 07 tuổi thì được chở tối đa hai người.
Bên cạnh đó, người ngồi sau xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và cài quai đúng quy cách.
Xe đạp điện chở 3 người bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo điểm o khoản 1 Điều 9 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe đạp máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
g) Điều khiển xe đạp, xe đạp máy đi dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên;
(Ảnh minh họa).
h) Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác; chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù);
i) Điều khiển xe thô sơ trong thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau không sử dụng đèn hoặc không có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe;
k) Để xe ở lòng đường, vỉa hè trái phép; đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông;
l) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;
m) Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường gây cản trở giao thông;
n) Không giảm tốc độ (hoặc dừng lại) và nhường đường khi điều khiển xe đi từ đường không ưu tiên ra đường ưu tiên, từ đường nhánh ra đường chính;
o) Xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu;
p) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Theo đó, mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp điện chở 3 người tham gia giao thông.
H.Anh (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)