Cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024
Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết quyết nghị, từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo đó, sẽ có 2 trường hợp được tăng lương hưu sau khi cải cách tiền lương, đó là:
+ Những người thuộc nhóm đối tượng điều chỉnh tăng lương hưu.
+ Những người được tăng lương hưu khi cải cách tiền lương.
Theo những phân tích trên thì xét trong trường hợp cải cách tiền lương năm 2024 làm tăng lương, để được tăng lương hưu theo đợt cải cách tiền lương, người tham gia BHXH cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đủ điều kiện hưởng lương hưu.
- Người tham gia BHXH phải nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và đã có khoảng thời gian hưởng mức lương tăng trước đó.
Như vậy, người tham gia BHXH nếu được tăng lương trong đợt cải cách tiền lương thì sẽ được tăng mức hưởng lương hưu sau này.
Điều kiện hưởng lương hưu sắp thay đổi
Theo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Chính phủ hoàn thiện và có Tờ trình Quốc hội, trong đó có sửa đổi về điều kiện hưởng lương hưu.
Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa điều kiện về hưởng lương hưu. Dự thảo quy định, người lao động được hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện:
+ Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.
+ Đủ 61 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 56 tuổi 08 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 20 năm đối với lao động nam; tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%.
(Ảnh minh họa)
Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà vẫn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp một lần cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã họi sau độ tuổi nghỉ hưu cao hươn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được trình lên Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 11/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Như vậy, các thay đổi liên quan trực tiếp đến người hưởng lương hưu nêu trên có thể sẽ được áp dụng từ tháng 7/2025.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)